Một ví dụ được đưa ra, trong 30 phút đầu tiên của lễ hội mua sắm Ngày Độc thân hàng năm tại Trung Quốc vào năm 2020, các buổi phát trực tiếp của Taobao Live đã tạo ra 7,5 tỷ USD giao dịch - tăng 400% so với cùng kỳ năm trước. Cùng năm đó, thị trường mua sắm livestream ở Trung Quốc được định giá 171 tỷ USD. Tại Hoa Kỳ, TikTok, Amazon, Walmart, Shopify và YouTube đều đang tham gia vào cuộc chơi, theo CNBC.
"Mọi người rất hào hứng với những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi tỷ lệ chuyển đổi thực sự gây ấn tượng, cao hơn nhiều so với tỷ lệ mua sắm online trên một trang web thông thường", ông Daniel Debow, Phó Chủ tịch Phụ trách Sản phẩm tại Shopify, công ty đã tung ra nền tảng mua sắm livestream kết hợp với YouTube vào tháng 7/2022, cho biết.
Có một hệ sinh thái ứng dụng phát trực tiếp đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, chẳng hạn như ứng dụng “chị em” của TikTok là Douyin, hay Pinduoduo , được biết là nền tảng mua sắm giá rẻ kịch sàn. Những người đang thực hiện livestream ở Trung Quốc - được gọi là Key Opinion Leader (KOLs) - đã kiếm được khối tài sản khổng lồ và còn tham gia huấn luyện trở thành người dẫn chương trình mua sắm livestream.
"KOLs có hàng triệu, hàng triệu và hàng triệu người hâm mộ, vì vậy ngay cả khi chỉ thu hút 10% xuất hiện, đó vẫn là một triệu người. Nhưng trường hợp này chưa chắc có thể áp dụng được ở Mỹ và châu Âu", CEO công ty marketing online Qulture, bà Quỳnh Mai, chia sẻ.
Thật vậy, Mỹ đã lấn sân sang mua sắm livestream chậm hơn nhiều so với Trung Quốc. Trong số những người tiêu dùng Trung Quốc được Coresight Research khảo sát, 74% cho biết đã mua sản phẩm thông qua một buổi phát trực tiếp vào năm 2022. Ở Mỹ, 78% cho biết họ thậm chí chưa bao giờ xem một màn livestream mua sắm nào.
AMAZON LIVE
Với 35% thị trường, Taobao Live của Alibaba vẫn là công ty mua sắm livestream lớn nhất thế giới. Nhưng vài năm gần đây, một loạt các công ty Mỹ cũng đã đầu tư vào các dự án mua sắm livestream. Trong số đó phải kể đến Amazon, công ty đã giới thiệu hình thức mua sắm này vào năm 2016.
Trên Amazon Live, những KOLs có thể giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại nhà. Khán giả có thể phản ứng bằng biểu tượng cảm xúc hoặc ngôi sao. Cửa sổ trò chuyện cho phép người xem đặt câu hỏi mà người tổ chức livestream có thể trả lời trực tiếp và khách hàng có thể click vào liên kết được nhúng trong video để mua hàng.
Tiêu biểu, Tiana Young Morris lần đầu tiên đăng tải các video thử đội tóc giả và sau đó review về chúng vào năm 2020.
"Tôi đã nghĩ, 'Ồ, có rất nhiều người sẽ mua sản phẩm mà tôi đã giới thiệu. Tôi cần phải xem làm thế nào để có thể kiếm tiền từ việc này? Và Amazon giúp tôi dễ dàng đăng ký Chương trình Người ảnh hưởng", Young Morris nói.
Sau khi đăng ký Chương trình Người ảnh hưởng của Amazon, các nhà sáng tạo nội dung sẽ có thể thành lập “cửa hàng” của riêng họ, nơi người dùng Amazon có thể theo dõi, nhận thông báo khi phát trực tiếp. Trước khi bắt đầu sự nghiệp sáng tạo nội dung của mình, Morris cho biết cô đang kiếm được khoảng 110.000 USD/năm với tư cách là một luật sư hành nghề tư nhân.
"Bây giờ tôi kiếm được khoảng sáu lần như vậy", Young Morris nói. "Tôi thực sự, thực sự thích làm điều này. Tôi kiếm được rất nhiều tiền để trang trải cuộc sống”.
Người sáng tạo nội dung trên Amazon Live tận dụng tối đa hoa hồng, thường khoảng 10% doanh số bán hàng từ các lần livestream, đôi khi hoa hồng lên tới 20%. Amazon cũng cung cấp cho một số người khoản phí cố định để phát trực tiếp thường xuyên và những nhà sáng tạo hàng đầu có thể kiếm thêm từ các thương hiệu trả tiền cho buổi phát trực tiếp độc quyền.
Giờ đây, Young Morris bán các sản phẩm thời trang, làm đẹp và chăm sóc da trên Amazon Live, đồng thời tổ chức các buổi phát trực tiếp được tài trợ độc quyền với các thương hiệu lớn như Dove. Amazon Live không tiết lộ số lượng người theo dõi, nhưng tài khoản TikTok của cô có khoảng 635.000 followers.
Vừa qua, Amazon tiếp tục đầu tư vào mua sắm trực tiếp với sự ra mắt của Amazon Live tại Ấn Độ vào tháng 9/2022.
TIKTOK, YOUTUBE VÀ META
Các nền tảng xã hội cũng đang đầu tư mạnh tay vào xu hướng này. TikTok thuộc sở hữu của ByteDance đã hợp tác với Walmart trong một buổi phát trực tiếp kéo dài 1 giờ vào năm 2020, nơi người dùng TikTok có thể mua các mặt hàng thời trang Walmart do nhà sáng tạo nội dung giới thiệu. Hai bên đã thực hiện một buổi phát trực tiếp khác vào năm 2021 sau khi báo cáo sự kiện đầu tiên thu về lượt xem nhiều hơn 7 lần so với dự kiến và tăng lượng người theo dõi trên TikTok của Walmart lên 25%.
Giám đốc Quỳnh Mai chia sẻ: "Tôi nghĩ TikTok sẽ có thể vượt qua những đối thủ khác vì họ hiện có rất nhiều người dùng. Mỗi khi bạn sử dụng nền tảng này, công ty có thể học hành vi của bạn, tìm hiểu sở thích của bạn và phục vụ bạn những gì thuật toán nghĩ bạn sẽ thích".
Vào mùa thu năm ngoái, TikTok bắt đầu thử nghiệm tại Hoa Kỳ một chức năng mới có tên TikTok Shop cho phép người dùng mua trực tiếp trong ứng dụng. Hiện tại, tính năng này chỉ dành cho các nhà sáng tạo nội dung và người bán ở Hoa Kỳ nhưng đã ra mắt ở Đông Nam Á và Vương quốc Anh. TikTok hiện đang phải đối mặt với lệnh cấm ở một số bang do lo ngại công ty có thể giao dữ liệu người dùng cho Trung Quốc.
Trong khi đó, tính năng mua sắm trực tiếp được mở rộng gần đây của YouTube cho phép người mua hàng không cần rời khỏi nền tảng. Nhà sáng lập thương hiệu Activewear Cassey Ho đã có giờ bán hàng doanh thu cao thứ hai trong năm khi quảng bá sản phẩm trực tiếp trên YouTube vào tháng 11/2022.
Ngoài ra còn có một số công ty khởi nghiệp phát triển các nền tảng mới của Hoa Kỳ dành hoàn toàn tâm huyết cho mua sắm trực tiếp. Có Ntwrk tập trung vào giày thể thao và đồ sưu tầm cũng như Supergreat và Trendio cho các sản phẩm làm đẹp. Lớn nhất trong số đó là TalkShopLive, nơi Walmart đã tổ chức 150 sự kiện mua sắm trực tiếp vào năm 2022 và được những người nổi tiếng như Dolly Parton, Oprah Winfrey và Tim Tebow livestream trên nền tảng.
Meta, mặt khác, đang thu hẹp vốn đầu tư vào mua sắm. Công ty đã tạm dừng mua sắm livestream trên Facebook vào tháng 10/2022 và xóa tab “Cửa hàng” khỏi thanh điều hướng của Instagram vào đầu tháng này.
Tại Trung Quốc, chính phủ đang thực thi giám sát chặt chẽ hơn đối với các ngành công nghiệp tư nhân, bao gồm cả mua sắm livestream. Một số siêu sao mua sắm livestream lớn nhất cả nước đã bị phạt tiền hoặc tạm ngưng đột ngột không báo trước.