Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) là cơ quan đại diện cho hơn 650 doanh nghiệp và 2500 cá nhân đại diện của doanh nghiệp trên khắp Việt Nam, chiếm hàng tỷ đô la đầu tư nước ngoài, hàng chục nghìn lao động trực tiếp, hàng trăm nghìn lao động gián tiếp, và một phần đáng kể trong xuất khẩu và thu thuế của Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên - VBF 2022 diễn ra ngày 21/2, Ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham bày tỏ các doanh nghiệp thuộc hiệp hội hoàn toàn lạc quan về triển vọng mở cửa trở lại và phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đại diện AmCham cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã có những hành động kịp thời và phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt đánh giá cao Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài chính, tiền tệ nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội. Mặc dù Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực trong thời kỳ đại dịch, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống, vận tải... vẫn phải giảm quy mô hoặc tạm ngừng hoạt động.
Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, AmCham đề nghị chính phủ tiếp tục giảm và hoãn nộp Thuế Thu nhập doanh nghiệp trong năm 2022 và 2023.
Đề cập đến vấn đề thị trường vốn, theo AmCham, để thúc đẩy đầu tư Việt Nam cần thiết cải cách thị trường vốn. Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam khuyến khích cải cách khu vực tài chính, điều sẽ dẫn đến trạng thái “Thị trường mới nổi” so với “Thị trường cận biên” cho thị trường vốn của Việt Nam theo đánh giá của MSCI và FTSE.
Đặc biệt, AmCham khuyến khích thay đổi giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài để cho phép nhiều cổ phần ngoại quốc hơn trong các công ty niêm yết và chưa niêm yết, và tại các ngân hàng hiện đang giới hạn ở mức 30%.
Áp dụng mô hình Đối tác Trung tâm để thực hiện các giao dịch chứng khoán tiền mặt phù hợp với thông lệ toàn cầu, loại bỏ các yêu cầu hoàn vốn trước, tôn trọng nguyên tắc Giao hàng so với Thanh toán trong thanh toán.
Cùng với đó là tăng cường cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài các sở giao dịch chứng khoán nên yêu cầu công bố thông tin của công ty niêm yết bằng song ngữ gồm tiếng Việt và tiếng Anh; các quy định và thông tin thị trường chứng khoán cũng cần được song ngữ và chi tiết.
AmCham cũng khuyến khích cải cách để đạt được xếp hạng chủ quyền cấp đầu tư cho Việt Nam. "Mặc dù sự linh hoạt trong chính sách của Chính phủ và khả năng phục hồi tổng thể của nền kinh tế là những yếu tố tích cực, chúng tôi tin rằng cần có các biện pháp để thiết lập một hồ sơ giám sát các cải cách nhằm tăng cường cơ chế giám sát/điều tiết và giảm thiểu rủi ro hệ thống trong lĩnh vực tài chính/ngân hàng", AmCham nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến việc tiếp cận thị trường Việt Nam của các tổ chức nước ngoài, báo cáo tại VBF 2022, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam khuyến nghị Tiếp tục giảm số lượng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Giảm mức độ thiếu thống nhất của các cơ quan cấp phép địa phương liên quan đến việc xử lý hồ sơ và xem xét lại các điều khoản thương mại của các giao dịch M&A.
Đồng thời, khuyến nghị Chính phủ Việt Nam hướng dẫn các cơ quan cấp phép địa phương bằng các điều khoản rõ ràng và thống nhất trong đó các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư hợp pháp dưới hình thức sở hữu vốn cổ phần lên đến 100% trong bất kỳ lĩnh vực nào nếu những lĩnh vực đó không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo luật định cụ thể.