Theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022 mới công bố của Liên hợp quốc (UN), Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đông dân nhất thế giới với lần lượt 1,412 tỷ và 1,426 tỷ người trong năm 2022.
UN dự báo Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Nước này được dự báo sẽ có dân số 1,668 tỷ người vào năm 2050. Trong khi đó, dân số Trung Quốc giảm xuống còn 1,317 tỷ người vào giữa thế kỷ.
UN cảnh báo tỷ lệ sinh cao sẽ là một thách thức với tăng trưởng kinh tế với các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo báo cáo điều tra dân số của Ấn Độ, năm 2011, dân số của nước này là khoảng 1,21 tỷ người. Báo cáo điều tra này được thực hiện 10 năm một lần. Tuy nhiên, năm 2021, Chính phủ Ấn Độ đã phải hoãn cuộc điều tra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
UN cũng dự báo dân số toàn cầu sẽ tăng lên xấp xỉ 8 tỷ người vào ngày 15/11 năm nay và tăng lên 8,5 tỷ người vào năm 2030.
Tới năm 2050, thế giới được dự báo sẽ có 9,7 tỷ người khi tốc độ tử vong chậm lại và đạt đỉnh 10,4 tỷ người vào khoảng những năm 2080. Tổ chức này tin rằng dân số toàn cầu sẽ duy trì ở mức này cho tới khoảng năm 2100.
Dân số thế giới hiện đang tăng với tốc độ chậm kể từ năm 1950 với mức tăng giảm xuống dưới 1% vào năm 2020, theo ước tính của UN.
Năm 2021, mức sinh bình quân toàn cầu là 2,3 trẻ/phụ nữ, giảm từ mức khoảng 5 trẻ vào năm 1950. Mức sinh toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục giảm, xuống 2,1 trẻ/phụ nữ vào năm 2050.
"Đây là dịp để tôn vinh sự đa dạng của chúng ta, công nhận nhân loại chung và kinh ngạc trước những tiến bộ trong y tế đã kéo dài tuổi thọ và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em", Tổng thư ký UN Antonio Guterres cho biết trong một tuyên bố. “Tuy nhiên, dân số ngày càng tăng cũng là một lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc chăm sóc hành tinh của chúng ta và phản ánh xem chúng ta vẫn còn thiếu cam kết với nhau ở đâu”.
Dẫn đến báo cáo trước đó của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó uớc tính có khoảng 14,9 triệu người tử vong liên quan đến đại dịch Covid-19 từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2021, báo cáo của UN cho biết tuổi thọ bình quân toàn cầu đã giảm xuống 71 tuổi vào năm 2021, từ mức 72,8 tuổi vào năm 2019 chủ yếu do đại dịch Covid-19.
Hai khu vực đông dân nhất thế giới năm nay là Đông Á và Đông Nam Á. Trong khi khu vự Đông Á có 2,3 tỷ người, chiếm 29% toàn cầu, thì khu vực Trung và Nam Á có 2,1 tỷ người, chiếm 26% toàn cầu.
“Hơn một nửa số dân toàn cầu dự kiến tăng đến năm 2050 sẽ tập trung ở 8 quốc gia - Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Cộng hòa Tanzania”, báo cáo của UN dự báo.
Tuy nhiên, 61 quốc gia được dự báo sẽ chứng kiến dân số giảm từ 1% trở lên trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 2050 do mức sinh giảm.
Ước lượng tuổi thọ khi sinh (life expectancy at birth) toàn cầu năm 2019 là 72,8 tuổi, tăng gần 9 tuổi so với năm 1990. Tỷ lệ tử vong được dự báo sẽ giảm thêm nữa sẽ dẫn tới tuổi thọ bình quân toàn cầu đạt khoảng 77,2 tuổi vào năm 2050, UN nhận định.
Tuy nhiên, năm 2021, ước lượng tuổi thọ tại các nước kém phát triển nhất thấp hơn 7 năm so với mức bình quân toàn cầu.