Trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Paris vào tháng 3 vừa qua, thương hiệu chế tác trang sức và đồng hồ danh tiếng Chopard, có trụ sở tại Geneva, đã giới thiệu một bộ sưu tập gồm 15 món trang sức gắn ngọc lục bảo. Tất cả đều được cắt từ một viên đá thô duy nhất - một viên ngọc lục bảo thô khổng lồ nặng 6.225 carat, được khai thác tại Zambia cách đây khoảng một thập kỷ.
Thay vì lựa chọn các trung tâm chế tác đá quý lâu đời như Antwerp (Bỉ) hay Israel, Chopard đã quyết định sử dụng đội ngũ thợ cắt đá đến từ Jaipur (Ấn Độ) để thực hiện quá trình chế tác ngay tại xưởng chế tác trang sức cao cấp của hãng ở Geneva.
XƯỞNG SẢN XUẤT KIM CƯƠNG TOÀN CẦU
Sự hợp tác của Chopard với các nghệ nhân Ấn Độ là minh chứng rõ nét cho tầm quan trọng ngày càng lớn của quốc gia này trong ngành chế tác đá quý. Hiện nay, Ấn Độ là trung tâm sản xuất kim cương hàng đầu thế giới, với khoảng 90% kim cương toàn cầu được gia công tại đây. Các hoạt động chế tác kim cương tập trung chủ yếu tại Surat, bang Gujarat ở miền Tây Ấn Độ, cũng như tại thành phố Mumbai.
Nhiều thương hiệu trang sức châu Âu, từ các thương hiệu danh tiếng tại Place Vendôme đến các thương hiệu độc lập, ngày càng ưu tiên sử dụng kim cương được chế tác tại Ấn Độ. Chẳng hạn, thương hiệu kim cương cao cấp Messika tại Paris đã lựa chọn kim cương cắt tại Ấn Độ ngay từ khi thành lập cách đây 20 năm.
“Ấn Độ luôn là đối tác quan trọng và đáng tin cậy của chúng tôi,” Jean-Baptiste Sassine, Giám đốc điều hành của Messika, chia sẻ.

Sự thống lĩnh của Ấn Độ trong ngành chế tác kim cương hiện nay bắt nguồn từ chi phí nhân công thấp và hiệu suất sản xuất cao. Khi công nghệ phát triển giúp thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia, ngành chế tác kim cương của Ấn Độ đã phát triển chuyên môn và kỹ thuật riêng, cho phép quốc gia này sản xuất nhiều viên kim cương có chất lượng vượt trội.
VÙNG ĐẤT CỦA NHỮNG NGHỆ NHÂN CHẾ TÁC LÀNH NGHỀ
Quy trình cắt và đánh bóng các loại đá quý có màu tại Ấn Độ vẫn mang đậm dấu ấn thủ công và kỹ thuật truyền thống hơn so với kim cương - yếu tố giúp quốc gia này ngày càng thu hút sự chú ý, bên cạnh các trung tâm chế tác đá màu khác như Thái Lan và Sri Lanka.
Ấn Độ hiện là một trong những thị trường lớn nhất chuyên thu mua đá quý thô có màu, bao gồm ngọc lục bảo và hồng ngọc. Khác với kim cương, quá trình chế tác các loại đá này tại Ấn Độ không thể tận dụng công nghệ quét và cắt tiên tiến. Thay vào đó, các viên đá thô vẫn chủ yếu được kiểm tra bằng mắt thường bởi những bậc thầy chế tác người Ấn Độ, phần lớn trong số họ xuất thân từ các gia đình có truyền thống nhiều thế hệ trong ngành. Nhiều thợ học việc bắt đầu sự nghiệp từ khi mới 15 tuổi, tiếp nối tay nghề của cha ông.
Lấy ví dụ từ viên ngọc lục bảo thô của Chopard, các nghệ nhân Ấn Độ đã dành nhiều tuần để quan sát và đánh giá viên đá trước khi bắt đầu quá trình chế tác, kéo dài gần một năm. Cuối cùng, viên đá đã được chế tác thành tổng cộng 850 carat ngọc lục bảo, được sử dụng để tạo ra 5 đôi hoa tai, 4 vòng cổ, 3 chiếc nhẫn, 1 vòng tay và 1 chiếc đồng hồ cao cấp.

Bộ sưu tập này mang tên Insofu, có nghĩa là “voi” trong tiếng Bemba - ngôn ngữ địa phương tại khu vực khai thác viên đá - nhằm tôn vinh hình dáng giống vòi voi cũng như kích thước đồ sộ của viên ngọc thô ban đầu. Đặc biệt, bộ sưu tập này được bán kết hợp với tổ chức từ thiện Elephant Family của Vương quốc Anh, trong đó một phần doanh thu sẽ được dùng để bảo vệ loài voi châu Á.

Krishna Choudhary là một thợ kim hoàn thế hệ thứ 10 của một gia đình có truyền thống chế tác kim hoàn, có tổ tiên từng cung cấp đá quý hoàng gia cho các maharaja cai trị Ấn Độ vào thế kỷ 18. Là người sáng lập Santi Jewels - thương hiệu trang sức đá quý có trụ sở tại London và Jaipur - Krishna Choudhary ưu tiên hợp tác với các nghệ nhân chế tác đá màu tại Jaipur cho các thiết kế của mình, bởi thị trường rộng lớn hơn và lực lượng nhân công đa dạng hơn.
“Ở châu Âu, về cơ bản, mỗi nơi như Antwerp, Paris, Amsterdam hay Ý chỉ có một số rất ít chuyên gia và nghệ nhân thực sự giỏi trong lĩnh vực này, nhưng tại Jaipur, rất dễ để tìm thấy những người thợ có kinh nghiệm chuyên sâu, hàng ngày ngồi tỉ mỉ làm việc với đá thô”, ông Krishna Choudhary chia sẻ.
Việc chế tác một viên ngọc lục bảo - một trong những loại đá quý mong manh nhất - đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện. Chẳng hạn, vị trí của các tạp chất trong đá cần được cân nhắc cẩn thận, vì chúng có thể ảnh hưởng đến độ lấp lánh của viên đá.
Hơn nữa, chỉ một vết cắt sai cũng có thể làm suy giảm độ đậm màu của ngọc lục bảo, do sắc tố màu lan tỏa từ trung tâm viên đá. Những yếu tố này đòi hỏi con mắt tinh tường và tay nghề xuất sắc của bậc thầy chế tác. Các chuyên gia chế tác đá quý Ấn Độ đã gây ấn tượng bởi khả năng và tay nghề thủ công đối với các tuyệt tác đá quý đầy tinh xảo.

Sự minh bạch ngày càng gia tăng của các thương hiệu trang sức về vai trò của các nhà cung cấp Ấn Độ phản ánh rõ xu hướng chung trong ngành thời trang và trang sức cao cấp. Các nhà mốt như Dior và Dries van Noten trong những năm gần đây cũng đã tôn vinh đóng góp của các nghệ nhân thêu thủ công Ấn Độ, nhấn mạnh giá trị nghệ thuật và tay nghề xuất sắc đến từ quốc gia này.
Đồng chủ tịch kiêm giám đốc nghệ thuật của Chopard, bà Caroline Scheufele, kể lại rằng khi các thợ cắt đá quý từ Jaipur đến xưởng chế tác tại Geneva, họ kiên quyết ngồi làm việc trên sàn như tại quê nhà thay vì sử dụng các bàn làm việc của Chopard. Họ cũng ngồi theo một hướng nhất định và chỉ cắt đá vào những thời điểm cụ thể.
“Có những ngày trong tuần và những khung giờ không phù hợp để làm việc. Đối với họ, đây là một nghi thức mang tính tâm linh”, bà Caroline Scheufele chia sẻ. “Điều này cũng là một trải nghiệm mới mẻ cho tất cả những người thợ tại xưởng chế tác của Chopard và họ rất tò mò muốn biết chúng tôi đang làm gì với bộ sưu tập này. Đó thực sự là một kỷ niệm đẹp với tất cả mọi người”.