Theo nguồn tin từ Reuters, các nhà lập pháp Ấn Độ sẽ đề xuất dự luật cấm đầu tư tiền ảo tại nước này và phạt nặng đối với bất kỳ ai giao dịch hoặc nắm giữ tiền ảo tư nhân.
Nguồn tin cho hay dự luật này - một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất trên thế giới đối với tiền ảo - sẽ truy cứu hình sự với bất kỳ ai nắm giữ, mua bán bảo hiểm, khai thác, giao dịch tài sản số. Biện pháp này phù hợp với chương trình nghị sự được đưa ra hồi tháng 1 của chính phủ Ấn Độ, trong đó kêu gọi cấm các loại tiền ảo như Bitcoin, đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý cho một loại tiền số chính thức.
Theo nguồn tin trên, dự luật này sẽ cho những người đang nắm giữ tiền ảo 6 tháng để rút tiền. Sau thời gian này, những người còn nắm giữ tiền ảo sẽ bị phạt.
Các quan chức Ấn Độ tự tin rằng dự thảo này sẽ được ban hành thành luật bởi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hiện nắm giữ số ghế đa số tại Quốc hội.
Nếu dự thảo này trở thành luật, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên cấm tiền ảo. Hiện tại, kể cả Trung Quốc - quốc gia cấm khai thác vào giao dịch - cũng không cấm người dân nắm giữ tiền ảo.
KHI "LÒNG THAM" VƯỢT QUA "NỖI SỢ"
Tiền ảo lớn nhất thế giới Bitcoin mới đây vừa cán mốc kỷ lục 60.000 USD, tăng 70% giá trị từ đầu năm đến nay khi nhận được sự ủng hộ của nhiều công ty lớn.
Tại Ấn Độ, dù đối mặt với nguy cơ bị cấm, lượng giao dịch tiền ảo vẫn tăng mạnh và hiện có 8 triệu nhà đầu tư đang nắm giữ 100 triệu Rupee (1,4 tỷ USD) tiền ảo, theo ước tính của các chuyên gia trong ngày.
"Số tiền này tăng theo cấp số nhân mỗi tháng và chẳng ai muốn đứng ngoài cuộc cả", Sumnesh Salodkar, một nhà đầu tư tiền ảo, chia sẻ. "Kể cả khi mọi người lo sợ lệnh cấm, lòng tham là động lực thúc đẩy họ đầu tư tiền ảo".
Theo Gaurav Dahake, giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền ảo Ấn Độ Bitbns cho biết số lượng người dùng đăng ký và dòng tiền đổ vào sàn này đã tăng gấp 30 lần so với một năm trước. Trong khi đó, Unocoin, một trong những san giao dịch tiền ảo lâu đời nhất tại Ấn Độ, cũng ghi nhận thêm 20.000 người dùng trong tháng và tháng 2 bất chấp nỗi lo lệnh cấm.
Mặc dù các quan chức hàng đầu Ấn Độ từng gọi tiền ảo là "mô hình lừa đảo Ponzi", phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman đầu tháng này đã giúp giải tỏa lo lắng của các nhà đầu tư,
"Tôi chỉ có thể tiết lộ rằng chúng tôi sẽ tìm cách để thử nghiệm tiền ảo và sẽ có các biện pháp quản lý nghiêm ngặt", bà Sitharaman phát biểu trên kênh CNBC-TV18.
Nguồn tin của Reuters cho biết luật trên là nhằm cấm các loại tiền ảo tư nhân, đồng thời thúc đẩy phát triển công nghệ chuỗi khối - công nghệ dữ liệu an toàn đóng vai trò xương sống cho nhiều loại tiền ảo và cũng là một hệ thống mang tính cách mạng cho các giao dịch tài chính toàn cầu.
GIAO DỊCH TIỀN ẢO CÓ BỊ PHẠT TÙ?
Năm 2019, một hội đồng của chính phủ Ấn Độ đã đề xuất áp mức phạt tù tới 10 đối với những người khai thác, giữ, bán, trao đổi, phát hành hay giao dịch tiền ảo. Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters không tiết lộ về điều khoản phạt tù hay phạt tiền của dự luật sắp được đề xuất. Tuy nhiên, người này cho biết việc thảo luận dự luật đang ở giai đoạn cuối.
Tháng 3/2020, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã phủ quyết một lệnh cấm của ngân hàng trung ương nước này vào năm 2018, trong đó cấm các ngân hàng giao dịch tiền số. Tòa án Tối cao yêu cầu chính phủ đưa ra dự luật về vấn đề này.
Tháng trước, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tiếp tục bày tỏ quan ngại về tiền ảo, cho rằng đây là rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính. Đồng thời, ngân hàng này cũng đang làm việc để phát hành tiền ảo riêng - điều được khuyến khích trong dự luật trên.
Bất chấp sự bùng nổ của thị trường tiền ảo, nhiều nhà đầu tư cũng nhận thức được rằng con sốt này tiềm ẩn nguy hiểm.
"Nếu lệnh cấm được ban hành, chúng tôi sẽ phải tuân thủ", Naimish Sanghvi, một nhà đầu tư vừa mua tiền ảo vào năm ngoái, nói với Reuters. "Tuy nhiên, tới lúc đó, tôi thà cứ để tiền ảo đó còn hơn là lo sợ và bán đi".