Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết ngân hàng trung ương nước này dự kiến phát hành phiên bản số của đồng Rupee trong năm tài chính 2022-2023 (bắt đầu từ ngày 1/4/2023).
“Việc phát hành tiền ảo sẽ tạo ra cú hích lớn cho nền kinh tế số của Ấn Độ”, CNBC dẫn lời bà Nirmala Sitharaman tại sự kiện công bố ngân sách thường niên ngày 1/2. “Tiền ảo cũng sẽ tạo ra một hệ thống quản lý tiền tệ hiệu quả hơn và chi phí thấp hơn”.
Bà Sitharaman không cung cấp thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của đồng Rupee số, nhưng tiết lộ tiền ảo này sẽ sử dụng “công nghệ chuỗi khối (blockchain) và các công nghệ khác”.
Blockchain là công nghệ nền tảng của tiền ảo Bitcoin và đến nay đã được phát triển mở rộng với ứng dụng vượt ra ngoài các loại tiền ảo.
Nếu triển khai đúng kế hoạch, Ấn Độ sẽ trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới phát hành tiền ảo của ngân hàng trung ương (CBDC).
Từ năm 2014, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai phiên bản số của đồng Nhân dân tệ và là quốc gia đi đầu trong việc phát hành CBDC trên thế giới. Trong hai năm qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành thí điểm sử dụng đồng Nhân dân tệ số dưới dạng xổ số, trong đó tiền ảo được phát cho cư dân tại một số thành phố để chi tiêu. Gần đây hơn, ngân hàng này đã mở rộng chương trình thí điểm với đồng Nhân dân tệ số. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa phát hành tiền ảo trên quy mô toàn quốc và cũng chưa có lộ trình cho việc này.
Tại châu Á, Nhật Bản cũng đang phát triển đồng CBDC riêng. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tháng trước đã công bố một nghiên cứu về đồng Đôla số nhưng chưa chắc chắn về việc sẽ phát hành loại tiền này hay không.
Tại Ấn Độ, dù thúc đẩy đồng Rupee số, Chính phủ có lập trường cứng rắn với các loại tiền ảo như Bitcoin và hiện đang xây dựng các quy định cho lĩnh vực này. Cũng trong ngày 1/2, Bộ trưởng Tài chính Sitharaman đã chia sẻ quan điểm về việc này, trong đó nói rằng nên đánh thuế 30% đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng tài sản số.