May 30, 2007 | 11:41 GMT+7

An toàn cáp quang biển: “Chỉ trông chờ ý thức công dân!”

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc VTI, đơn vị quản lý hai tuyến cáp quang biển của Việt Nam

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc VTI.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc VTI.
SMW-3 và TVH là hai hệ thống cáp biển chính kết nối các cuộc điện thoại, fax, truyền số liệu, truy cập Internet… từ Việt Nam đi quốc tế.

Tuy nhiên, sự cố mất cắp cáp quang biển tuyến TVH từ Việt Nam đi Thái Lan hồi đầu tháng 5 hiện vẫn chưa khắc phục được khiến 90% liên lạc viễn thông Việt Nam đi quốc tế đang phải chạy trên tuyến SMW-3.

Mặc dù SMW-3 vẫn rộng “đường” nhưng trước hàng loạt vụ trộm cáp viễn thông bị phát hiện thời gian qua khiến nguy cơ về việc Việt Nam bị cô lập thông tin với thế giới hoàn toàn có thể xảy ra trong trường hợp SMW-3 bị cắt trộm. Sau đây là cuộc trao đổi của báo giới với ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) - đơn vị quản lý hai tuyến cáp quang biển nói trên.

Thưa ông, liên lạc viễn thông Việt Nam ra quốc tế hiện được đảm bảo thế nào sau sự cố mất cáp quang tuyến TVH?

Tuyến TVH có hai nhánh gồm từ Việt Nam đi Thái Lan và Việt Nam đi Hong Kong. Vừa qua sự cố mất cắp cáp quang (khoảng vài chục km) xảy ra trên nhánh đi Thái Lan. Hiện tại chúng tôi đang tiến hành sửa chữa lại tuyến này song chưa biết thời gian chính xác sẽ hoàn thành. Do đó, các liên lạc viễn thông qua nhánh này đã được chuyển sang tuyến SMW-3 nên không mất liên lạc và vẫn đang khai thác bình thường.

VTI đánh giá thế nào về thiệt hại do đứt cáp tuyến TVH?

Chúng tôi đánh giá sơ bộ (đánh giá dựa trên công sửa chữa, công rải cáp, công đo đạc…) cho thấy thiệt hại từ sự cố đứt cáp này khoảng 4 triệu USD. Con số cụ thể phải đợi khi sửa xong mới đánh giá được.

Hiện nay phần lớn liên lạc viễn thông Việt Nam chạy trên tuyến duy nhất còn lại là SMW-3. Ông có lường đến khả năng tuyến cáp này cũng sẽ bị cắt trộm?

Đúng là bây giờ tôi rất lo tuyến SMW-3 bị đứt như hồi động đất ở Đài Loan. Khi đó chỉ bị đứt nhánh từ Đài Loan đi Mỹ, đi Nhật mà đã ảnh hưởng đến Việt Nam như vậy nên nếu bây giờ bị cắt phần cáp chạy từ Đà Nẵng trở ra thì rất nguy hiểm vì tuyến này chiếm 90% lưu lượng liên lạc viễn thông quốc tế của Việt Nam.

Lúc đó sẽ mất hết toàn bộ liên lạc giữa Việt Nam với quốc tế. Thiệt hại khi đó không chỉ về mặt kinh tế mà còn mất uy tín của Việt Nam trong việc xây dựng các tuyến cáp quang biển mới về sau này. Vì vậy, tuyến SMW-3 phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Vậy VTI với tư cách là đơn vị quản lý tuyến cáp quang SMW-3 và TVH đã có biện pháp gì để tránh tình trạng mất cắp?

VTI không có biện pháp nào mà chỉ có thể đề nghị Chính phủ giúp đỡ. Vừa qua Chính phủ đã có văn bản gửi một số bộ ngành và các tỉnh, thành ven biển đề nghị kiểm soát, xử phạt nghiêm khắc việc khai thác, buôn bán trái phép cáp quang biển. Bộ Bưu chính Viễn thông cũng đã họp và đề nghị phía cảnh sát biển, hải quân kết hợp bảo vệ.

Về phía VTI, chúng tôi đã làm việc với các địa phương để vận động nhân dân không nên "khai thác" cáp trên biển vì lợi ít, hại nhiều. Việc cắt trộm các tuyến cáp quang biển sẽ làm thiệt hại hàng triệu USD và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bảo vệ các tuyến cáp được hay không quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân.

Vì sao lâu nay chúng ta không quan tâm tới việc bảo vệ các tuyến cáp quang biển?

Sự cố mất cáp quang trên thế giới rất hãn hữu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xảy ra mất cáp quang. Tôi cho rằng việc người dân "khai thác" cáp quang của chế độ cũ để lại từ trước rồi khai thác phải cáp quang của mình chắc phải có một đơn vị nào đấy cho phép họ. Các cáp quang rải dưới đáy biển rất đảm bảo, trừ khi bị tàu hoặc bị động đất làm đứt.

Trước sự cố vừa qua, VTI có tính tới việc xây dựng thêm những tuyến cáp quang biển mới để đảm bảo an toàn liên lạc viễn thông Việt Nam với quốc tế?

VTI là một trong số chín đơn vị sáng lập và đang tham gia xây dựng tuyến cáp quang biển quốc tế AAG. Tuyến này có dung lượng ban đầu 40Gb/s chạy qua toàn bộ các nước châu Á và nối trực tiếp sang Mỹ. Tuyến này cập bờ Việt Nam tại Vũng Tàu. VTI đã đầu tư vào đây 40 triệu USD.

Tại Việt Nam còn có SPT và Viettel tham gia đầu tư, mỗi đơn vị đầu tư khoảng 20 triệu USD. Năm 2008 tuyến AAG sẽ đi vào hoạt động và đóng góp lớn vào đảm bảo liên lạc viễn thông giữa Việt Nam đi quốc tế cũng như tiết kiệm kinh phí rất đáng kể do chúng ta không phải mua các tuyến khác khi đi vòng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate