Nhiều ý kiến cho rằng số lượng ít ỏi các công trình xanh ở Việt Nam có một phần nguyên nhân là do các nhà đầu tư quan ngại về chi phí và sự phức tạp về kỹ thuật khi theo đuổi công trình xanh.
Song chia sẻ với VnEconomy, ông Phạm Nam Quảng, Thành viên HĐTV Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ - Quy Nhơn, Giám đốc Dự án Simona Heights, việc áp dụng các tiêu chuẩn về công trình xanh không phức tạp và tốn kém như nhiều người lầm tưởng.
Là một trong hai dự án được cấp chứng nhận công trình xanh EDGE (hệ thống đánh giá công trình xanh do Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC phát triển) tại Quy Nhơn, theo ông, đâu là rào cản mà doanh nghiệp thường gặp phải trong việc áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh?
Chúng tôi khởi đầu là một công ty tư vấn thiết kế, vì vậy chúng tôi luôn duy trì nguyên tắc tôn trọng các quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng. Đối với chúng tôi, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD là bước tiến lớn so với phiên bản QCVN 09:2013/BXD, với một ứng dụng giúp các nhà phát triển theo dõi các chi tiết kỹ thuật của tòa nhà. Theo đà này, việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn công trình xanh của EDGE là một bước nhảy vọt.
EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) là một nền tảng trực tuyến 3 trong 1, bao gồm một phần mềm ứng dụng miễn phí, tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế và hệ thống chứng nhận công trình xanh dành cho hơn 170 quốc gia.
Trong đó, với phầm mềm tính toán EDGE, các đơn vị tư vấn thiết kế có khả năng so sánh hiệu quả của các giải pháp thiết kế dựa trên hình khối công trình, thông số lớp cách nhiệt, và các trang thiết bị tiêu thụ điện và nước.
Đồng thời, phần mềm tính toán có thể giúp nhanh chóng có câu trả lời cho khái toán và thời gian hoàn vốn cho từng phương án thiết kế, nhờ đó sẽ đem lại lợi ích dài hạn cho chủ đầu tư và những người sử dụng công trình.
Rào cản thực sự đối với hầu hết các chủ đầu tư, thậm chí cơ quan quản lý nhà nước là hiểu không đúng về công trình xanh. Đối với tôi, công trình xanh trước hết phải là công trình đảm bảo nền tảng thiết kế xanh, sau đó mới nói đến các yếu tố công nghệ hoặc thiết bị xanh khác như hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống phòng lạnh xử lý rác…
Trong đó, việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, kiểm soát tốt nhu cầu năng lượng đối với công trình đã cơ bản tạo được nền tảng công trình xanh mà không hề tốn kém thêm chi phí. Chi phí cho các thiết bị sử dụng năng lượng tự nhiên (mặt trời, gió …), các giải pháp xử lý rác … không lớn và hoàn toàn có thể hoàn vốn trong giai đoạn quản lý vận hành.
Ngoài ra là những rào cản khác liên quan tới tâm lý ngại thay đổi và thiếu động lực thay đổi của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế; hay nhà thầu chưa quan tâm đúng mức hoặc thiếu sự quyết liệt từ cơ quan quản lý.
Nhưng không phải doanh nghiệp đầu tư xây dựng nào cũng đi lên từ thiết kế và tường tận bộ tiêu chuẩn xanh. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc thiết kế xanh và ứng dụng các công nghệ hay thiết bị xanh khác sẽ khiến doanh nghiệp tiêu tốn thêm chi phí và tạo thêm phiền phức nhất định cho doanh nghiệp trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành, thưa ông?
Để hình dung rõ hơn về tiêu chuẩn xanh, tôi lấy ví dụ thế này.
Tòa nhà xanh là công trình được thiết kế với các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng, từ những giải pháp lớp vỏ bao che bên ngoài (hướng công trình, tỷ lệ cửa sổ trên tường, lam che nắng, thông số kỹ thuật kính, cách nhiệt tường, cách nhiệt mái, sơn chống nóng…), đến trang thiết bị sử dụng điện (hệ thống điều hòa không khí, đèn hiệu quả năng lượng, cảm biến tự động, điều khiển hẹn giờ…), và các giải pháp khác (tận dụng ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên, quạt trần, pin năng lượng mặt trời, nước nóng năng lượng mặt trời, đồng hồ điện thông minh…).
Trong đó, các chi phí phát sinh phần lớn là cho việc cải thiện lớp vỏ bao che (tường, cửa sổ, mái), trang thiết bị điều hòa không khí, các hệ thống cảm biến tự động tắt mở và kiểm soát hẹn giờ... Tùy theo mức đầu tư và thiết kế ban đầu của công trình, mà việc đáp ứng cho chứng chỉ EDGE sẽ phát sinh khoảng 1-2% tổng mức đầu tư.
Cụ thể đối với dự án Simona Heights, chúng tôi nhận thấy rằng, chi phí này thực tế không hề lãng phí, mà hệ thống trang thiết bị công trình sẽ giúp nâng cao hiệu quả vận hành của tòa nhà, và các giải pháp này thường có thời gian hoàn vốn trong khoảng 3-5 năm. Quan trọng hơn, cư dân của toà nhà sẽ được thụ hưởng hiệu quả của việc tiết kiệm chi phí năng lượng, một không gian sống thân thiện với môi trường.
Khi mà công trình xanh đã và đang trở thành xu hướng trong lĩnh vực xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới thì cũng sẽ diễn ra ở Việt Nam bởi đem lại những giá trị tích cực cho kiến trúc sư, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư và chủ nhà.
Vậy theo ông, Việt Nam cần có những chính sách gì để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp theo đuổi bộ tiêu chuẩn xanh?
Dù đã triển khai áp dụng các bộ tiêu chuẩn xanh hơn 12 năm nay (bao gồm LEED, EDGE, LOTUS hay Green Mark) nhưng chúng ta mới có 233 dự án đạt được chứng nhận công trình xanh. Đây là con số khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vì vậy, tôi hy vọng sẽ thấy nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các bộ tiêu chí này hơn nữa. Bởi khi các doanh nghiệp chủ động trong việc áp dụng bộ tiêu chuẩn xanh, điều đó có nghĩa là họ đã nhận thức được các tác động môi trường và đang nỗ lực hướng tới các giá trị bền vững vì cộng đồng. Do vậy, khi một công trình được chứng nhận công trình xanh, cần có chính sách miễn, giảm một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật liên quan cũng cần được điều chỉnh để bắt kịp xu hướng công trình xanh, bao gồm luật đất đai, luật xây dựng. Các chủ đầu tư có thể cần nhiều ưu đãi hơn về tỷ lệ diện tích sàn để khuyến khích theo đuổi thiết kế xanh.