VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường ngày 19/8/2022.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/8, chỉ số VN-Index giảm 1,62 điểm, tương đương 0,13% xuống 1.273,66 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 1,40 điểm, tương đương 0,46% xuống 301,19 điểm.
VN-Index có lẽ sẽ còn rung lắc trong ngắn hạn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Lại là 1 cây nến Doji nữa xuất hiện trong phiên hôm nay. Thị trường dập dình đi ngang ở ngưỡng 1,275 trước khi đột ngột tụt xuống vùng 1,270 vào cuối phiên sáng, sau đó nhảy vọt lên ngưỡng 1,280 trong phiên chiều trước khi lùi lại kết phiên tại mốc 1,273.66, gần như không thay đổi so với hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực, nhờ một số nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chống đỡ mới hạn chế được đà giảm của VN-Index.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. VN-Index có lẽ sẽ còn rung lắc trong ngắn hạn khi gặp lại đường MA100, tuy nhiên nếu vượt qua đường này thì chỉ số sẽ có thể tiến lên chinh phục ngưỡng 1,285".
Thị trường vẫn phân hóa mạnh
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
"VN-Index trong phiên đáo hạn Phái Sinh được kéo tăng lên 1.283 điểm, kết phiên VN-Index giảm điểm nhẹ ở mức 1.273,66 với khối lượng giao dịch giảm -13,4% so với phiên trước. Thể hiện mức độ phân hóa mạnh khi áp lực tích lũy điều chỉnh, cơ cấu danh mục các mã yếu kém sau nhịp hồi phục tiếp tục với khối lượng suy giảm. Trong khi vẫn đột biến tích cực đối với nhóm chứng khoán khi kỳ vọng thời hạn áp dụng thanh toán T+2 sắp đến.
Thị trường vẫn phân hóa mạnh trong vùng 1260-1285 với quá trình rung lắc liên tục sẽ xảy ra để hấp thu áp lực cung vùng giá cao, cũng như thu hút lực cầu mới đối với các mã, nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt. Phù hợp các vị thế tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình nhiều năm. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý vẫn có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong quí III/2022, báo cáo Quí II/2022 duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và đang thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng.
Quý nhà đầu tư có thể tham khảo danh mục cổ phiếu khuyến nghị của chúng tôi để có quyết định hợp lý. Nhưng không mua đuổi, cơ cấu loại giảm các mã yếu kém hơn so với thị trường chung nếu có, để tái cơ cấu danh mục hiệu quả tốt hơn".
Áp lực chốt lời tại vùng cản 1.280-1.285 điểm tiếp tục gây khó khăn cho VN-Index
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
"Áp lực chốt lời tại vùng cản 1.280-1.285 điểm tiếp tục gây khó khăn cho đà tăng của VN-Index. Việc mở rộng biên độ giằng co và hạ dần mức giá đóng cửa đang cho thấy lực cầu giá cao vẫn còn thận trọng trong ngắn hạn.
Do đó, với tín hiệu này, dự kiến vùng cản 1.280-1.285 điểm sẽ tiếp tục cản trở bước tiến của VN-Index trong phiên kế tiếp. Xác suất quay trở lại kiểm tra cung cầu tại vùng 1.262-1.268 điểm của VN-Index và 1.280-1.285 điểm của VN30-Index đang dần xuất hiện. Do đó, Quý Nhà đầu tư nên chậm lại để quan sát áp lực cung cầu tại vùng cản để chủ động chốt lời, đồng thời cần hạn chế mua đuổi".
Rủi ro điều chỉnh của VN-Index có phần gia tăng
(Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV)
“VN-Index tăng điểm trồi sụt trong phiên trước khi suy yếu và đảo chiều giảm điểm về cuối phiên. Những diễn biến rung lắc trong phiên đáo hạn phái sinh không mang nhiều ý nghĩa về mặt xu hướng. Mặc dù vậy, với việc một lần nữa vượt vùng cản gần quanh 1280 bất thành, rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh của VN-Index có phần gia tăng với vùng hỗ trợ gần được đặt tại 125x.
Nhà đầu tư được khuyến nghị bán trading khi chỉ số tăng chạm kháng cự và chỉ kê mua trở lại tại các vùng hỗ trợ nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn”.
Áp lực điều chỉnh gia tăng, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức hỗ trợ 1.250
(Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN)
“Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ còn giằng co trong vùng 1,260 – 1,285 điểm. Đồng thời, chúng tôi cho rằng áp lực điều chỉnh của thị trường có thể sẽ gia tăng dần trong những phiên giao dịch tới và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức hỗ trợ 1,250 điểm. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn còn thận trọng với diễn biến hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế mua mới ở giai đoạn này”.
Áp lực bán chiếm thể chủ đạo
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI)
"Thị trường giảm nhẹ trong phiên giao dịch hôm nay với cách giao dịch tương đồng phiên trước khi chỉ số nhiều lần tăng điểm trong phiên nhưng đa số giảm điểm. Các cổ phiếu ngành chứng khoán giao dịch nổi bật trong phiên hôm nay trong khi các nhóm ngành khác hầu hết giảm điểm.
VN-Index kết phiên ở 1,273.66 điểm (-1.62 điểm) và VN30 đóng cửa ở 1,299.93 điểm (-0.47 điểm). Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước bởi đa số giao dịch thận trọng trong phiên đáo hạn HĐTL và thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE đạt quanh mức 14,000 tỷ đồng. Mức độ lan tỏa của thị trường gia tăng sự tiêu cực so với phiên trước khi chỉ có 25% tăng điểm ; 15% đi ngang và có tới 60% số cổ phiếu giảm điểm. Khối nhà đầu tư ngoại mua ròng nhẹ với quy mô hơn 120 tỷ đồng trên sàn HOSE tập trung vào các cổ phiếu: VHM; SSI; HDB; VND; STB…Ở chiều ngược lại, họ bán ròng nhẹ ở: VHM; DGC; KBC; VJC; HPG…
Trạng thái giao dịch của thị trường đang có những thay đổi so với tuần giao dịch trước. Chúng tôi nhận thấy số lượng cổ phiếu không theo kịp đà tăng của chỉ số ngày càng nhiều. Điều này là dễ nhận thấy khi chỉ số tiếp tục tăng các phiên gần đây nhưng nhiều cổ phiếu đi ngang hoặc suy giảm.
Theo góc nhìn của chúng tôi áp lực bán với nhiều cổ phiếu đã xuất hiện từ các phiên trước bởi những cổ phiếu này đã tăng trước và đạt tới đích của đợt hồi phục. Áp lực bán sẽ càng mạnh khi chỉ số tiến lên vùng kháng cự và chúng tôi vẫn duy trì quan điểm về đích của đợt hồi phục nhưng với các trạng thái cổ phiếu quay đầu ngày càng nhiều thì nhà đầu tư ngắn hạn nên sẵn sàng trạng thái phòng thủ và chờ đợi các cơ hội tốt hơn".
Không bất ngờ khi thị trường điều chỉnh
(Công ty Cổ phần Chứng khoán MB - MBS)
“Thị trường trong nước điều chỉnh sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp nhưng vẫn có nhiều triển vọng khép lại tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Mặc dù nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch rất sôi động nhưng nhóm cổ phiếu trụ không giữ được lực kéo ở những phút cuối phiên là nguyên nhân khiến thị trường để mất điểm đầy tiếc nuối.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE còn 14.081 tỷ đồng so với mức 15.482 tỷ đồng ở phiên hôm qua và mức bình quân 14.063 tỷ đồng của tuần trước. Tổng cộng có 558 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 584 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Thị trường điều chỉnh không gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đã có từ 2 phiên trước đó. Ngay cả khi chỉ số Vn-Index được các trụ kéo lên gần 1.282 điểm thì số mã giảm cũng áp đảo số mã tăng. Về kỹ thuật, số Vn-Index gặp cản ở ngưỡng MA100 ngày sau 5 tháng để mất cũng có thể là tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật. Do vậy, nhà đầu tư có thể chốt dần ở các cổ phiếu đã tăng mạnh và cơ cấu danh nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều có thể là chiến lược để đón đầu sự luân chuyển của dòng tiền trong các tuần sắp tới”.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.