July 04, 2025 | 07:42 GMT+7

Áp lực giảm giá dầu vẫn rất lớn, cổ phiếu dầu khí còn tiềm năng?

Thu Minh -

Theo dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg, SSI Research duy trì giả định giá dầu Brent trung bình ở mức 65 USD/thùng, tương đương mức giảm 7% so với năm 2024.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

SSI Research vừa có cập nhật triển vọng ngành dầu trong đó nhấn mạnh giá dầu tiếp tục chịu áp lực giảm do tăng trưởng nhu cầu toàn cầu chậm lại trong khi nguồn cung ngày càng gia tăng.

Theo dự báo tháng 6 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến chỉ tăng khoảng 720.000 thùng/ngày trong năm 2025 – mức điều chỉnh giảm nhẹ so với các ước tính trước đó và chậm hơn đáng kể so với mức tăng gần 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Dự báo này phản ánh xu hướng suy yếu chung của kinh tế toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, nguồn cung toàn cầu được dự báo tăng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ việc nới lỏng cắt giảm sản lượng của OPEC+ và sản lượng gia tăng từ các quốc gia ngoài OPEC+, đặc biệt là Mỹ và Canada.

Với bức tranh cung cầu như vậy, giá dầu được dự báo sẽ giảm nhẹ trong năm 2025. Theo dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg, SSI Research duy trì giả định giá dầu Brent trung bình ở mức 65 USD/thùng, tương đương mức giảm 7% so với năm 2024.

Xung đột Iran-Israel nếu leo thang, có thể chỉ tác động hạn chế đến giá dầu. Yếu tố địa chính trị chính ảnh hưởng đến thị trường dầu trong năm 2025 là xung đột giữa Israel và Iran - quốc gia chiếm hơn 3% sản lượng dầu toàn cầu và hơn 6,5% nguồn cung khí toàn cầu. Mặc dù vẫn đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran hiện xuất khẩu khoảng 1,7 triệu thùng/ngày, trong đó Trung Quốc là khách hàng chính.

Tình hình hiện tại chưa dẫn đến gián đoạn nguồn cung lớn và đã hạ nhiệt thông qua lệnh ngừng bắn giữa hai bên. Tuy nhiên, ngay cả khi căng thẳng leo thang trở lại, tác động đến giá dầu toàn cầu vẫn ở mức hạn chế. Một trong những lo ngại chính là nguy cơ phong tỏa eo biển Hormuz – điểm trung chuyển chiến lược nơi khoảng 20% lưu lượng dầu khí toàn cầu đi qua. Tuy nhiên, kịch bản này được đánh giá khó xảy ra, bởi việc phong tỏa eo biển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trung Quốc, đối tác chiến lược hàng đầu của Iran, và có thể làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia láng giềng.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị tại Trung Đông đến giá dầu đã suy giảm trong vài thập kỷ qua. Khác với các cuộc khủng hoảng trong thập niên 1970, thị phần dầu khí toàn cầu của khu vực này đã giảm, trong khi xu hướng chuyển dịch sang các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, điện gió và xe điện đang ngày càng rõ rệt, làm giảm vai trò chi phối của Trung Đông đối với thị trường dầu toàn cầu.

Áp lực giảm giá dầu vẫn rất lớn, cổ phiếu dầu khí còn tiềm năng?  - Ảnh 1

SSI Research giữ quan điểm sự phân hóa trong xu hướng lợi nhuận giữa các nhóm doanh nghiệp dầu khí sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Ở nhóm trung nguồn, các doanh nghiệp như PLX, OIL và BSR có khả năng chịu tác động rõ rệt hơn từ xu hướng giá dầu yếu, dẫn đến mức tăng trưởng lợi nhuận đi ngang hoặc âm so với năm trước.

Riêng BSR được kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng (khoảng +300% so với cùng kỳ), nhờ mức lợi nhuận thấp trong năm 2024 và sản lượng tiêu thụ dự kiến phục hồi 15% sau giai đoạn bảo dưỡng. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2025 của BSR có thể vẫn thấp hơn 70–80% so với giai đoạn 2021–2023, do ảnh hưởng từ xu hướng giá dầu giảm.

Đối với các nhà phân phối xăng dầu như PLX và OIL, thị trường đang chờ đợi nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Theo dự thảo lần thứ 6 mới nhất, các doanh nghiệp đầu mối sẽ có thêm quyền tự chủ trong việc thiết lập giá bán lẻ dựa trên chi phí đầu vào, qua đó hỗ trợ ổn định biên lợi nhuận của các nhà phân phối. Tuy nhiên, Chính phủ hiện vẫn đang lấy ý kiến các bên liên quan, do đó cần chờ thêm thời gian để có quyết định chính thức.

Ngược lại, các doanh nghiệp thượng nguồn như PVD và PVS được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực, nhờ vào hoạt động E&P sôi động. Đây cũng là những doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ dự án Lô B. PVD được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 14% nhờ tỷ lệ sử dụng giàn khoan duy trì ở mức cao và đơn giá thuê ngày đối với giàn khoan tự nâng tăng 10%.

PVS dự kiến sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận 25% trong năm 2025, nhờ doanh thu mạnh từ các hợp đồng EPC cho phần thượng nguồn của dự án Lô B, với giá trị hợp đồng ước tính lên tới 1 tỷ USD.

Ở mức giá hiện tại, SSI Research vẫn ưa thích cổ phiếu PVD và PLX, và lựa chọn theo dõi cổ phiếu PVS chờ đợi mức định giá hợp lý hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate