January 06, 2025 | 09:23 GMT+7

Áp lực lớn vực dậy tăng trưởng kinh tế, PBOC bắt đầu hành động giống Fed, ECB

Hoài Thu -

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) dự kiến có sự dịch chuyển bước ngoặt sang sử dụng các công cụ tiền tệ mang tính chính thống hơn và tương đồng hơn với Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)...

PBOC sẽ “ưu tiên việc điều chỉnh lãi suất” và tránh xa các “công cụ định lượng” để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - Ảnh: Reuters
PBOC sẽ “ưu tiên việc điều chỉnh lãi suất” và tránh xa các “công cụ định lượng” để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - Ảnh: Reuters

Chia sẻ với tờ báo Financial Times, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ hạ lãi suất vào “một thời điểm thích hợp” trong năm 2025. Cơ quan này cũng nói rằng sẽ “ưu tiên việc điều chỉnh lãi suất” và tránh xa các “công cụ định lượng” để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Điều này đánh dấu sự dịch chuyển mang tính bước ngoặt trong chính sách tiền tệ tại Trung Quốc.

Hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ có một biến số về chính sách, đó là lãi suất cơ bản. Đây là công cụ chủ đạo được dùng để tác động tới nhu cầu tín dụng và hoạt động của nền kinh tế.

Ngược lại, BPOC không chỉ đặt ra nhiều loại lãi suất khác nhau mà còn đưa ra các hướng dẫn phi chính thức tới hệ thống ngân hàng thương mại về hoạt động cho vay. Với những hướng dẫn như vậy, các khoản vay có thể được định hướng tập trung vào một số lĩnh vực đang được Bắc Kinh ưu tiên, như sản xuất, công nghệ và bất động sản.

CẤP BÁCH CẢI CÁCH

Theo các nhà phân tích, dù việc đưa ra các hướng dẫn như vậy là một công cụ chính sách tiền tệ quan trọng nhất để quản lý nền kinh tế tại Trung Quốc nhiều thập kỷ qua, các quan chức PBOC tin rằng cần cấp bách triển khai cải cách.

“Cải cách lãi suất có thể là một trọng tâm thực sự của PBOC trong năm 2025”, ông Richard Xu, nhà phân tích tài chính trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Morgan Stanley chi nhánh Hồng Kông, nhận định. “Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, cần khẩn cấp dịch chuyển khởi tư duy chỉ tập trung vào mở rộng quy mô cho vay của hệ thống ngân hàng”.

Thời gian qua, nhu cầu tín dụng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sụt giảm trầm trọng do cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. PBOC cũng lo rằng các mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể dẫn tới tình trạng cho vay bữa bãi, thiếu cân nhắc các rủi ro và về lâu dài gây lãng phí nguồn vốn.

“Để phù hợp với các yêu cầu phát triển chất lượng cao, các công cụ về định lượng đang dần bị loại bỏ trong những năm gần đây”, PBOC nói với Financial Times. “Chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn đến vai trò kiểm soát lãi suất, đồng thời cải thiện việc hình thành và truyền tải lãi suất theo định hướng thị trường”.

Nằm trong lộ trình thay đổi cơ chế, năm ngoái, PBOC cũng làm rõ rằng công cụ chính sách chủ đạo của cơ quan này sẽ là lãi suất mua lại đảo ngược (repo) 7 ngày, thay vì nhiều mức lãi suất vẫn đang được áp dụng từ trước tới nay.

Theo các nhà phân tích, việc giảm tập trung vào các mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể hạn chế tình trạng dư thừa công suất – một trạng thái dẫn tới nợ xấu tràn lan ở Trung Quốc - và gây gián đoạn nhiều ngành công nghiệp như thép trên toàn cầu.

NHIỀU KHÓ KHĂN TRƯỚC MẮT

Tuy nhiên, PBOC cũng gặp khó khăn trong việc dịch chuyển sang công cụ lãi suất bởi Chính phủ muốn định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất. Và ngay cả khi đang cố gắng thực hiện những thay đổi chính sách mang tính cấu trúc, cơ quan này cũng chịu áp lực vực dậy nền kinh tế đang đối mặt nguy cơ giảm phát.

Năm 2024, nằm trong gói chính sách lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19, PBOC đã hạ lãi suất mua lại đảo ngược (repo) 7 ngày hai lần và hạ lãi suất kỳ hạn 5 năm – loại lãi suất ảnh hưởng tới các khoản vay thế chấp mua nhà – ba lần. Các động thái này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế “khoảng 5%” bất chấp cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn dai dẳng và căng thẳng thương mại với Mỹ.

Tại các cuộc họp gần đây của BPOC với giám đốc một số ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, Thống đốc Pan Gongsheng và hai người tiền nhiệm Yi Gang và Zhou Xiaochuan đều có chủ trương thúc đẩy việc định giá các khoản vay dựa trên ủi ro – theo nguồn tin từ những người tham dự.

Trong khi đó, các lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng cảnh báo về khả năng nhầm lẫn khi định giá các khoản vay dài hạn bởi thị trường vốn đã quen với những hướng dẫn từ PBOC. Đây là một thách thức lớn khi chuyển sang cơ chế mới.

Với các nhà đầu tư quốc tế, nếu PBOC thành công trong việc chuyển đổi cơ chế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ bắt đầu có sự tương đồng với chính sách tại các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Ngoài ra, lần đầu tiên trong hai thập kỷ trở lại đây, năm ngoái, PBOC đã mua trái phiếu chính phủ trên thị trường mở để bơm tiền vào hệ thống tài chính – cách làm tương tự như chính sách của Fed.

Dù vậy, theo các nhà phân tích, PBOC vẫn thiếu một số “nguyên liệu quan trọng” cho hệ thống chính sách tiền tệ tập trung vào lãi suất, như các cuộc họp thường kỳ và công khai các quyết định chính sách.

“Nếu không có các hướng dẫn công khai như vậy, các bên tham gia thị trường có thể sẽ phải tự đoán xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông Haibin Zhu, nhà kinh tế về Trung Quốc tại Ngân hàng JPMorgan Chase, nhận xét.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate