Rất nhiều cổ phiếu đầu cơ có hàng bắt đáy hôm 19/1 về đến tài khoản. Áp lực bán lướt sóng ngắn hạn đẩy hàng trăm mã quay đầu lao dốc. Dù mới có 12 mã giảm sàn, nhưng riêng HoSE đã tới 240 mã giảm trên 1% trong sáng nay.
Phiên ngày 19/1 rất nhiều cổ phiếu bị bán tháo đến giá sàn và bắt đầu được quét mua sàn. Tùy từng cổ phiếu mà lực cầu bắt đáy nâng giá hôm đó lên bao nhiêu. Tuy nhiên điểm giống nhau là hầu hết sang phiên kế tiếp đã quay đầu tăng mạnh.
Nói cách khác, khối lượng mua sàn hôm 19/1 là giá rẻ nhất, hôm nay bắt đầu có thể bán được. Nhà đầu cơ sẽ phải đứng trước lựa chọn có chốt ngay hay để thêm và có rủi ro sẽ “cụt” bớt lợi nhuận, thậm chí mã yếu có thể nhanh chóng giảm tiếp.
Nhiều cổ phiếu đầu cơ đầu phiên còn có thêm một nhịp tăng nữa. Thống kê với gần 150 mã ở HoSE đang giảm trên 3%, nhiều mã tăng cao thêm sau khi mở cửa rồi mới quay đầu lao dốc. Ví dụ TSC tăng thêm khoảng 0,5% so với tham chiếu trước khi rơi thẳng xuống mức sàn và lại mất thanh khoản. HAR bật tăng 1,47% so với tham chiếu rồi lại đảo chiều giảm 6,86%, tạo biên độ lỗ tới 8,21%... Phần lớn các mã khác giảm ngay từ sớm, sau đó càng lúc càng tăng tốc trượt dốc.
Diễn biến giá kiểu này không có gì bất ngờ vì ngay cả khi nhà đầu cơ bị mắc kẹt trong nhịp giảm vừa qua vẫn có thể mua bắt đáy bình quân giá và bán lướt ngay lập tức. Chưa kể việc nhà đầu tư đang lỗ giá nảy lên 5-7% đã là quá tốt. Nhiều cổ phiếu đầu cơ trong 2 phiên vừa qua còn được kéo tăng trần liên tục, tức là hồi lại từ 10-15% so với đáy tính đến sáng nay. Đây là điều vượt quá kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.
Độ rộng sàn HoSE cũng phản ánh rõ nét áp lực bán dâng cao dần. Lúc 9h30 sàn này mới có 123 mã tăng/270 mã giảm. Đến cuối phiên đã là 102 mã tăng/350 mã giảm. Hiện có 19 cổ phiếu đang tăng trên 3%, trong đó 3 mã kịch trần là TGG, CCI, MCP. Nhiều mã vẫn đang cầm cự khá tốt như NHA, VRC, CKG, VOS. Điểm chung là giá đầu phiên rất mạnh, sau đó tụt dần. Thanh khoản của nhóm còn tăng giá này cũng không lớn dù giá chưa kịch trần.
Nhóm blue-chips sáng nay không mạnh nhưng cũng vẫn là những cổ phiếu đang cố gắng giữ nhịp. VN30-Index chốt phiên giảm nhẹ 0,5% với 11 mã tăng/19 mã giảm. Ngân hàng tiếp tục là nhóm mạnh nhất, dù đã phân hóa nhiều hơn. 8/10 cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 tăng giá và đều tăng mạnh. VCB tăng 4,37%, ACB tăng 3,74%, CTG tăng 2,11%, TCB tăng 2,21%, MBB tăng 2,83%, BID tăng 1,16%...
Cổ phiếu ngân hàng chiếm 7/10 mã kéo VN-Index mạnh nhất sáng nay, còn lại là GAS tăng 0,93%, VIC tăng 0,42% và HVN tăng 1,54%. Trên cả 3 sàn, 16/27 mã ngân hàng đang tăng giá với 10 mã tăng trên 1%. Số giảm là 9 mã nhưng chỉ 3 mã giảm trên 1% và đều là các ngân hàng nhỏ: VBB, SGB và VAB. Thanh khoản của các mã ngân hàng sàn HoSE cũng chiếm tới 28,4% tổng giá trị khớp của sàn này. Đặc biệt rổ VN30 duy trì thanh khoản tương đương sáng phiên trước và ngân hàng đóng góp 55,2%.
Sự phân hóa trong nhóm blue-chips là rất khác biệt. Trong khi cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh thì nhóm giảm cũng hầu hết là các mã giảm trên 1% (16 mã). Một số trụ giảm sâu là MSN giảm 3,97%, HPG giảm 3,23%, GVR giảm 2,16%, NVL giảm 2%, VHM giảm 1,64%...
Nhóm VN30 là nhóm duy nhất giữ được thanh khoản trong phiên sáng. Tính chung sàn HoSE khớp lệnh giảm 10%, chỉ đạt 12.672 tỷ đồng. Midcap hiện chỉ giao dịch 3.992,7 tỷ đồng, chỉ số giảm 1,81%. Smallcap giao dịch 1.484,7 tỷ đồng, chỉ số giảm 3,11%.
Với thanh khoản giảm và giá giảm sâu, các cổ phiếu vừa và nhỏ đang thiếu hụt dòng tiền mua nối tiếp. Điều này là hoàn toàn bình thường vì xu hướng chủ đạo là canh bán ra thay vì mua đuổi.