November 28, 2024 | 09:01 GMT+7

Áp thuế 5% với phân bón, những doanh nghiệp nào nằm ngoài "cuộc vui"?

Thu Minh -

Các doanh nghiệp sản xuất phân NPK gần như không hưởng lợi do các nguyên liệu đầu vào chính là phân đơn, và việc áp thuế giá trị gia tăng cho phân bón có khá ít ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin, ngày 26/11/2024, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng sửa đổi, theo đó kể từ ngày 01/7/2025, phân bón chính thức trở thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra với thuế suất 5%. Trước đó, theo Luật sửa đổi các Luật về thuế số 71/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, phân bón là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra.

Nhận định về Luật thuế này, Chứng khoán MBS cho rằng việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón 5% sẽ cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, từ đó hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Chi phí nguyên vật liệu đầu vào thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón, dao động từ 50% đến 80%. Các nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất phân bón tương đối đa dạng, và chịu mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 5% - 10%.

Khi mặt hàng phân bón không phải chịu thuế VAT đầu ra, giá trị VAT của các nguyên vật liệu đầu vào sẽ không được khấu trừ mà phải trích lập vào chi phí sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán để phản ánh các phần chi phí này và khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Ngược lại, khi mặt hàng phân bón chịu thuế VAT đầu ra là 5%, các khoản thuế VAT đầu vào sẽ được hoàn thuế và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi do ghi nhận giảm chi phí so với các năm trước.

Về lý thuyết, áp thuế giá trị gia tăng sẽ khiến giá bán phân bón tăng, nhưng việc lợi nhuận được hỗ trợ sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm giá bán, từ đó tăng cạnh tranh với các sản phẩm phân bón nhập khẩu – vốn trước đây có lợi thế về giá thành so với phân bón sản xuất trong nước, và người tiêu dùng cuối cùng vẫn hưởng lợi.

Cần lưu ý rằng các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không bị ảnh hưởng lớn bởi thay đổi luật thuế này do thuế suất đầu vào và đầu ra đều là 5%, lợi nhuận không thay đổi.

MBS cho rằng các doanh nghiệp sản xuất phân đơn (ure, lân) và phân DAP như DCM, DPM, DDV, LAS sẽ hưởng lợi từ thay đổi này do được hoàn thuế VAT cho nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân NPK gần như không hưởng lợi do các nguyên liệu đầu vào chính là phân đơn, và việc áp thuế giá trị gia tăng cho phân bón có khá ít ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. 

Trước bối cảnh công suất trong nước đã chững lại và giá phân bón không có nhiều động lực tăng rõ ràng trong năm tới, việc áp thuế VAT đầu ra này sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong năm 2025.

MBS kỳ vọng một số doanh nghiệp phân bón sản xuất phân đơn và phân DAP sẽ được hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 nhờ thay đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng, có thể kể đến: DCM, DPM, DDV, LAS. Tuy nhiên, do thời gian áp dụng việc áp thuế giá trị gia tăng 5% cho mặt hàng phân bón (T7/2025) diễn ra chậm hơn dự kiến trước đó (T1/2025), MBS điều chỉnh dự phóng cho lợi nhuận ròng năm 2025 của DCM xuống thấp hơn 12% so với dự phóng cũ.

Theo giả định thời gian của dự phóng cũ, luật thuế VAT sửa đổi nếu được áp dụng vào tháng 1/2025 có thể giúp DCM giảm chi phí đầu vào khoảng 400 tỷ/năm, từ đó hỗ trợ tăng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2025. MBS cũng điều chỉnh dự phóng lợi nhuận 2024 của DCM để phản ánh khoản lợi nhuận bất thường từ việc mua rẻ nhà máy NPK Hàn Việt.

Trước đó, SSI Researh dự phóng năm 2025, kỳ vọng sự phục hồi của giá urê và biên lợi nhuận của mảng phân bón tự doanh vẫn tiếp diễn nhưng với tốc độ hạn chế hơn. Nếu không có thay đổi quy định về thuế VAT, tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 của DPM và DCM dự kiến lần lượt đạt 21% và 16% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, sự thay đổi quy định về thuế VAT sẽ giúp DPM và DCM tăng thêm lợi nhuận lần lượt là 259 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, từ đó đẩy tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 lên 50% và 29%. Do đó, SSI khuyến nghị khả quan đối với DPM và DCM với giá mục tiêu tăng lần lượt 14% và 17% so với vùng giá hiện tại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate