Các chuyên gia phân tích, khi đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% như trước thời điểm Luật số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) có hiệu lực (năm 2015), giá phân bón sẽ giảm so với không chịu thuế, do đó người nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài.
Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư thiết yếu chiếm khoảng 40-50% chi phí sản xuất. Cho nên khi giá phân bón biến động tăng giảm đều tác động rất rõ tới người nông dân. Điển hình nhất là cách đây vài năm, ngay sau đại dịch Covid-19, giá phân bón tăng cao kỷ lục theo biến động giá thị trường, khiến nông dân nhiều nơi rơi vào khó khăn vì chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao trong khi giá cả nông sản bấp bênh. Nông dân ở nhiều nơi phải bỏ vụ. Đó là một hệ lụy dễ thấy nhất của giá phân bón tăng.
Trong khi đó, nếu giá phân bón hợp lý sẽ giúp người nông dân giảm chi phí vật tư đầu vào, từ đó cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của ngành nông nghiệp cả nước.
Thêm một lợi ích nữa mà có lẽ ít người quan tâm nhưng được đánh giá vô cùng quan trọng đối với môi trường. Cụ thể, khi giá cả phân bón giảm nhờ chính sách thuế giá trị gia tăng hợp lý (5%), người nông dân dễ dàng lựa chọn những loại phân bón chất lượng cao được các doanh nghiệp lớn, uy tính trong nước trực tiếp sản xuất để chăm sóc ruộng vườn của mình. Người xưa có câu “Nhất nước, nhì phân...”, phân bón chất lượng không chỉ giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất cao mà còn bổ sung dinh dưỡng cho đất canh tác, tránh ô nhiễm môi trường nước. Điều này khiến việc canh tác càng ngày càng thuận lợi, hiệu quả.
Ngược lại, khi phân bón chất lượng có giá cao, người nông dân có xu hướng tìm đến phân bón có giá rẻ hơn để giảm chi phí sản xuất. Hệ lụy nghiêm trọng có thể từ đây mà ra. Bởi phân bón giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng thấp do được sản xuất từ nguyên liệu giá rẻ, không đúng hàm lượng, được phối trộn thủ công..., đó là chưa nói đến nạn phân bón giả vốn tràn lan trong giai đoạn vừa qua. Những loại phân bón này không những hại cây trồng, có thể gây chết cây hoặc năng suất kém mà còn làm đất đai bạc màu, nguồn nước ô nhiễm. Lâu ngày, đất đai ruộng vườn có thể thành “đất chết” không thể canh tác.
Mặt khác, khi áp thuế giá trị gia tăng 5% đầu ra với phân bón, phần thuế giá trị gia tăng đầu vào của doanh nghiệp sẽ được Nhà nước khấu trừ, thậm chí được hoàn thuế. Đây chính là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại mới, mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Và tất cả những điều này đều giúp phục vụ cho nông nghiệp, nông dân tốt hơn.
Thứ hai, chính sách thuế bất hợp lý theo Luật Thuế 71 hiện nay đã tạo ra một sân chơi thiếu bình đẳng giữa phân bón trong nước và nhập khẩu. Lý do là theo quy định hiện thời, giá phân bón trong nước phải gánh khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào, trong khi hàng nhập khẩu hoàn toàn không chịu một đồng thuế giá trị gia tăng nào cả ở nơi sản xuất lẫn tại Việt Nam. Điều này khiến giá phân bón trong nước cao hơn nên thua thiệt trong cạnh tranh ngay trên sân nhà. Và nguy cơ kéo ngành phân bón trong nước “thụt lùi”.
Nếu tình trạng này kéo dài hơn, doanh nghiệp “thấm đòn”, sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô, hoặc phải thay đổi chiến lược kinh doanh, mà đơn giản nhất là nhập khẩu phân bón về bán dựa trên thế mạnh của mình về hệ thống phân phối, thay vì đầu tư công nghệ hiện đại để tạo nên thế mạnh về sản xuất.
Cuối cùng là sản phẩm nông nghiệp và môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi lẽ, các loại sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ lạc hậu, giá rẻ sẽ ảnh hưởng tới môi trường và nông sản đầu ra và đây chính là nguy cơ rất lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà.
Thêm vào đó, việc phụ thuộc vào nguồn cung phân bón từ nước ngoài sẽ khiến nền nông nghiệp và an ninh lương thực của nước nhà trở nên lệ thuộc và hết sức mong manh. Đây cũng là điều Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Tất cả bất cập, nguy cơ kể trên sẽ được giải quyết khi áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón. Bởi khi đó, cả hàng trong nước và hàng nhập khẩu đều được đưa về một mặt bằng chung, bảo đảm cạnh tranh công bằng.
Hơn lúc nào hết, chính sách thuế bất cập rất cần nhanh chóng được sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho nền nông nghiệp, nông dân và ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển bền vững!
Khi giá cả phân bón giảm nhờ chính sách thuế giá trị gia tăng hợp lý (5%), người nông dân dễ dàng lựa chọn những loại phân bón chất lượng cao được các doanh nghiệp lớn, uy tín trong nước trực tiếp sản xuất để chăm sóc ruộng vườn của mình.