May 21, 2024 | 06:00 GMT+7

Apple công bố tính năng theo dõi cử chỉ mắt cùng nhiều công nghệ tiên tiến khác

Sơn Trần

Mới đây, Apple công bố loạt tính năng trợ năng mới sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Trong đó, nổi bật là tính năng Eye Tracking cho phép người dùng điều khiển thiết bị thông qua ánh mắt…

Các tính năng trợ năng mới của Apple dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay.
Các tính năng trợ năng mới của Apple dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Trước thềm ngày “Nhận thức Khả năng Tiếp cận Toàn cầu”, Apple tiếp tục công bố loạt tính năng hỗ trợ mới cho iPhone và iPad. Nhiều tính năng trong số này hữu ích cho người khuyết tật, có tính ứng dụng rộng rãi, theo Yahoo Tech.

Phát hành vào năm ngoái, tính năng Personal Voice hướng đến những người có nguy cơ mất khả năng nói, giúp người dùng lưu giữ giọng nói bằng cách tạo ra những bản sao kỹ thuật số. Năm nay, Apple tiếp tục trang bị cho mẫu iPhone và iPad khả năng hỗ trợ theo dõi mắt, một số phím tắt tùy chỉnh giọng nói, âm thanh, tín hiệu chuyển động xe, v.v.

TÍNH NĂNG EYE TRACKING TÍCH HỢP TRONG IPHONE VÀ IPAD

Tính năng hấp dẫn nhất trong đợt công bố lần này là Eye Tracking (theo dõi mắt) với khả năng sử dụng camera trước của iPhone hoặc iPad (từ chip A12 trở lên) điều hướng phần mềm mà không cần thêm phần cứng hay phụ kiện. Khi bật tính năng, người dùng có thể nhìn vào màn hình và di chuyển qua lại giữa các ứng dụng và menu, sau đó nán lại trên mục để chọn.

Việc tạm dừng để chọn là tính năng mà Apple gọi là Dwell Control, hiện có sẵn trong hệ sinh thái của hãng như cài đặt trợ năng của Mac. Quá trình thiết lập và hiệu chuẩn chỉ mất vài giây và trí tuệ nhân tạo (AI) trên thiết bị sẽ hoạt động để hiểu ánh mắt người dùng. 

Chúng cũng hoạt động bình thường với ứng dụng từ bên thứ ba bởi đây là một phần trong hệ điều hành Assistive Touch.

PHÍM TẮT BẰNG GIỌNG NÓI ĐIỀU KHIỂN RẢNH TAY

Apple cũng nỗ lực cải thiện khả năng điều khiển bằng giọng nói trên iPhone và iPad. Một lần nữa, hãng sử dụng AI trên thiết bị để tạo mô hình cá nhân hóa cho mỗi người và thiết lập lối tắt giọng nói mới. 

Người dùng có thể thiết lập lệnh qua một từ hoặc cụm từ, thậm chí là chỉ cần phát âm (như "Oy!"). Siri sẽ hiểu và nhanh chóng thực hiện phím tắt hoặc tác vụ được chỉ định. Bạn có thể khởi chạy ứng dụng hoặc loạt hành động được xác định và thiết lập trước trong ứng dụng Phím tắt mà không cần yêu cầu Siri sẵn sàng.

Một cải tiến khác đối với tương tác giao tiếp là "Lắng nghe giọng nói bất thường". Trong đó, iPhone và iPad sử dụng thuật toán học máy trực tiếp trên thiết bị để nhận dạng mẫu giọng nói và tùy chỉnh nhận dạng giọng nói xung quanh theo cách phát âm độc đáo của người dùng. Tính năng khá giống với Project Relate của Google, công nghệ được phát triển để hiểu rõ hơn người suy giảm khả năng nói hoặc nói không rõ ràng.

Để xây dựng công cụ, Apple đã "bắt tay" với Dự án Trợ năng Giọng nói tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Beckman, Đại học Illinois Urbana-Champaign. Ngoài ra,  Viện cũng đang hợp tác với một số gã khổng lồ công nghệ khác như Google và Amazon, tiếp tục phát triển những tiến bộ công nghệ trên sản phẩm.

MUSIC HAPTICS TRONG APPLE MUSIC

Đối với những người mất thính lực hoàn toàn hoặc có khả năng nghe kém, Music Haptics sẽ giúp họ có trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời với hàng triệu bài hát tương thích trong danh mục Apple Music. 

Khi bật tính năng, Taptic Engine trên iPhone sẽ phát những rung chạm, kết cấu và rung động tinh tế tương ứng với âm thanh bài hát. Tính năng cũng khả dụng dưới dạng API để các nhà phát triển mang âm nhạc đến với nhiều người hơn nữa trong ứng dụng.

TRỢ GIÚP TRÊN Ô TÔ - GIẢM SAY XE VÀ CARPLAY

Vehicle Motion Cues là một trải nghiệm mới dành cho iPhone và iPad, giúp hành khách trên phương tiện đang di chuyển giảm thiểu tình trạng say xe.
Vehicle Motion Cues là một trải nghiệm mới dành cho iPhone và iPad, giúp hành khách trên phương tiện đang di chuyển giảm thiểu tình trạng say xe.

Khi người khuyết tật lái xe, họ cần một hệ thống hỗ trợ đủ tốt và Apple đang giải quyết vấn đề này trên bản cập nhật CarPlay. Điều khiển bằng giọng nói và bộ lọc màu sẽ xuất hiện trên CarPlay, giúp người khuyết tật điều khiển ứng dụng dễ dàng bằng giọng nói và người khiếm thị có thể xem menu hoặc cảnh báo rõ ràng hơn. 

Để đạt mục tiêu đó, CarPlay có hỗ trợ hiển thị văn bản lớn cũng như nhận dạng âm thanh bên ngoài như chuông báo động hoặc còi xe. Khi xác định âm thanh, hệ thống sẽ hiển thị cảnh báo ở cuối màn hình để thông báo cho người dùng. Tính năng hoạt động tương tự như tính năng nhận dạng âm thanh hiện có của Apple trên iPhone.

Đối với những người hay say xe do sử dụng các thiết bị điện tử khi di chuyển, tính năng mới được gọi là “Tín hiệu chuyển động” (Vehicle Motion Cues) có thể giảm bớt cảm giác khó chịu đó. 

Nghiên cứu cho thấy say xe là hiện tượng xuất phát từ xung đột giác quan giữa hình ảnh nhìn thấy và cảm nhận. Tình trạng này có thể làm một số người dùng cảm thấy không thoải mái khi dùng iPhone hay iPad khi đang di chuyển. 

Nhờ tính năng Vehicle Motion Cues, một số chấm động trên cạnh màn hình đại diện cho các thay đổi trong chuyển động của phương tiện sẽ giúp giảm xung đột giác quan mà không ảnh hưởng đến nội dung hiển thị chính. Sử dụng các cảm biến tích hợp sẵn trong iPhone và iPad, tính năng Vehicle Motion Cues có thể tự động nhận biết khi người dùng ở trên phương tiện đang di chuyển và có phản hồi tương ứng. 

CÁC TRỢ NĂNG KHÁC CỦA APPLE

Có rất nhiều tính năng khác ở đợt công bố lần này, bao gồm Live Captions trong VisionOS, chế độ Reader mới trong Magnifier, hỗ trợ chữ nổi đa dòng và bàn di chuột ảo cho người sử dụng Assistive Touch. 

Vẫn chưa rõ khi nào tất cả bản cập nhật sẽ được tung ra, bởi trước đây Apple đã từng tuyên bố các tính năng này sẽ ra mắt trong các phiên bản iOS sắp tới. Chỉ còn vài tuần nữa Hội nghị Nhà phát triển Toàn cầu (WWDC) sẽ diễn ra, nhiều khả năng chúng sẽ được chính thức phát hành tại bản cập nhật iOS tiếp theo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate