September 05, 2024 | 13:52 GMT+7

Ba cổ phiếu "siêu hot" bị khối ngoại bán ròng cả nghìn tỷ đồng trong tháng 8, đâu là lí do?

Thu Minh -

HPG, VHM và TCB là ba cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất giá trị bán ròng lần lượt 2.477 tỷ đồng; 1.677 tỷ đồng và 1.035 tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước áp lực tỷ giá, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3.611,2 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 3087.8 tỷ đồng trong tháng 8 vừa qua. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng gần 65.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tính riêng trong tháng 8, mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm Thực phẩm và đồ uống, Công nghệ Thông tin. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VNM, FPT, CTG, VCB, MWG, MSN, TCH, DPM, VCI, PLX. Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài là nhóm Tài nguyên Cơ bản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: HPG, VHM, TCB, VPB, HDB, VRE, SSI, PVD, VIX.

Trong đó, HPG, VHM và TCB là ba cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất giá trị bán ròng lần lượt 2.477 tỷ đồng; 1.677 tỷ đồng và 1.035 tỷ đồng.

Với riêng HPG, tính từ đầu tháng 8 tới nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 100 triệu cổ phiếu tương đương giá trị ròng gần 2.500 tỷ đồng. Con số lập kỷ lục chưa từng có của với Tập đoàn Hòa Phát.

Trước đó hồi cuối tháng 6, Hòa Phát đã phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 10% được giao dịch sau khi niêm yết bổ sung. Với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 1/4 vốn điều lệ, ước tính khối ngoại có thêm khoảng 130 triệu cổ phiếu HPG từ đợt phát hành này. Như vậy, nhiều khả năng khối ngoại đã bán ra lượng cổ phiếu trên nhằm thu lời.

Động thái bán ra HPG của khối ngoại còn do động lực tăng trưởng của cổ phiếu này 6 tháng năm 2024 đã giảm đáng kể. Theo nhận định của các công ty chứng khoán, yếu tố về giá không còn là động lực cho tăng trưởng cho HPG. Tỷ lệ tồn kho cao tại các đại lý, nhu cầu yếu trong mùa mưa, và sự gia tăng cạnh tranh từ xuất khẩu tiếp tục gây áp lực lên giá bán.

Trong ngắn hạn, các yếu tố này khó có khả năng cải thiện, khiến các doanh nghiệp thép nội địa gặp khó khăn trong việc duy trì chính sách giá. Mặc dù nhu cầu xây dựng trong nước vẫn duy trì khả quan, nhưng không kỳ vọng về việc tăng trưởng giá trong kịch bản cơ sở.

Dư địa gia tăng sản lượng cũng bị hạn chế do công suất hiệu dụng đã đạt mức tối ưu: Công suất hiệu dụng của HPG đã đạt mức tối ưu với dây chuyền sản xuất hơn 8.6 triệu tấn thép thô, chiếm 35% tổng công suất nội địa. Trong nửa đầu năm, nhờ nhu cầu xây dựng phục hồi và chính sách bán hàng cạnh tranh, HPG đã đạt sản lượng bán hàng hơn 4.31 triệu tấn, tương ứng mức hiệu dụng tối ưu. Doanh nghiệp khó có thể tăng thêm sản lượng cho đến khi nhà máy Dung Quất 2 đi vào hoạt động.

Tính đến cuối tháng 08/2024, giá các sản phẩm chính của HPG như HRC/thép cuộn/thép thanh vẫn tiếp tục giảm 8%/1%/6% so với tháng trước;  Xuất khẩu thép Trung Quốc vẫn đang gia tăng với sản lượng xuất khẩu lũy kế 7 tháng năm 2024 tăng 20% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất kể từ 2016.

Trên thị trường, trước áp lực bán ra của khối ngoại cùng động lực tăng trưởng không còn, thị giá của HPG cũng giảm mạnh từ 30.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 25.200 đồng/cổ phiếu.

Với VHM, khối ngoại cũng đã bán ròng 1.677 tỷ đồng trong tháng 8 vừa qua chỉ đứng sau HPG. Vinhomes (VHM) được xem là cánh tay đắc lực trong lĩnh vực bất động sản của tập đoàn Vingroup – giành lại ngôi vương lợi nhuận với khoản lãi ròng gần 10.800 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Mỗi giây trôi qua, cổ đông của Vinhomes thu về 1.4 triệu đồng lợi nhuận.

Sự hấp dẫn của VHM còn ở động thái mua lại cổ phiếu quỹ. Vào ngày 7/08/2024, VHM đã công bố kế hoạch mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8.5% vốn điều lệ/lượng cổ phiếu đang lưu hành. Công ty nhấn mạnh rằng động thái này nhằm bảo vệ lợi ích của cả công ty lẫn cổ đông, trong bối cảnh giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực của doanh nghiệp.

Chỉ trong vòng tháng 8, thị giá VHM đã tăng 23% và khối ngoại đã nhanh tay bán ra chốt lời. 

Với TCB, động thái bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng của khối ngoại trong tháng 8 có thể lý giải do áp lực bán chung trên thị trường và do nợ xấu của nhóm ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng niêm yết được báo cáo tại thời điểm cuối tháng 6/2024 là 2,21%, tăng trở lại vùng đỉnh lịch sử (2,24%). Tỷ lệ NPL tăng ở CTG, TCB...

Trong đó, tại TCB, các chỉ số về chất lượng tài sản lại giảm nhẹ trong kỳ với tỷ lệ nợ xấu tăng 10 điểm cơ bản theo quý lên 1,23% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 5 điểm phần trăm xuống 101,1%. Điểm tích cực là tỷ lệ nợ nhóm 2 đã giảm từ 1,1% cuối quý 1 xuống 0,8% hết Q2/2024, giảm phần nào áp lực nợ xấu gia tăng trong kỳ tới. 

Trong thời gian qua, TCB cũng là cổ phiếu tăng mạnh hơn so với các cổ phiếu nhà băng còn lại, trong khi động lực tăng trưởng thời gian tới được đánh giá không còn nhiều dẫn tới khối ngoại bán ra chốt lời. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate