Nhiều công ty tài chính bắt đầu triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như tạm hoãn thanh toán, cơ cấu nợ, hạ lãi suất, miễn giảm lãi, phí...
Tại FE Credit, ngay từ đầu tháng 9, đã triển khai hàng loạt chính sách như không giới hạn việc chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính; tạm hoãn thanh toán trong 4 tháng; xem xét miễn, giảm lãi, phí…đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, FE Credit cũng cho hay, khách hàng cần tìm hiểu chính sách giảm lãi, cơ cấu nợ của từng ngân hàng, công ty tài chính được xây dựng cụ thể dựa trên Thông tư 14 mà Ngân hàng Nhà nước vừa mới ban hành.
Theo đó, khách hàng phải chứng minh được mình không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày hưởng ưu đãi và phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với từng khách hàng. Tùy theo chính sách của từng tổ chức tín dụng, các đề xuất hỗ trợ sẽ được đánh giá và phê duyệt phương thức phù hợp cho khách hàng.
Tương tự, HD Saison cũng đang triển khai gói vay tiền mặt ưu đãi kéo dài đến 30/9/2021. Theo đó, khách hàng tại các khu vực áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 có thể vay mà không phải chịu áp lực thanh toán vì việc hoàn thành kỳ đầu tiên sẽ bắt đầu trong vòng 4 tháng sau. Lãi theo suất theo chương trình này 1,17%/tháng, tương đương với 14%/năm.
Hay như một công ty tài chính khác là Home Credit lại triển khai sản phẩm gói vay “Ưu đãi đặc biệt” với hạn mức lên đến 100 triệu đồng, thời gian bắt đầu từ ngày 7/9. Công ty này cho biết gói vay này thời gian vay linh hoạt từ 3 đến 57 tháng, thủ tục đơn giản, nhận kết quả xét duyệt trong 10 phút và không cần chứng minh thu nhập, không cần thế chấp tài sản. Lãi suất từ 26,8% - 28,8%/năm áp dụng với một số đối tượng khách hàng.
Đáng chú ý, bên cạnh việc tung các chương trình hỗ trợ như trên, các công ty tài chính cũng đưa ra khuyến cáo người dân, tuyệt đối cảnh giác với các đối tượng đề nghị hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giúp làm hồ sơ nhận trợ cấp xã hội trong mùa dịch nhưng lại yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, hình ảnh chụp cận khuôn mặt, clip quay nhận diện khuôn mặt. Đồng thời, không công khai thông tin cá nhân lên các trang mạng nhằm đề phòng kẻ gian lợi dụng. Khi phát hiện các dấu hiệu đáng ngờ người dân cần liên hệ ngay với số tổng đài của các công ty tài chính hoặc báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Về phía cơ quan quản lý, đứng trước những khó khăn kéo dài chưa có điểm dừng đối với tình hình kinh tế nói chung và tình trạng việc làm nói riêng do đại dịch gây ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho rằng hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch.
Để bảo vệ tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như lường trước những hậu quả không đáng có, cơ quan này đã đưa ra một số lưu ý.
Theo đó, khách hàng khi nhận được dự thảo hợp đồng do tổ chức tín dụng cung cấp, người tiêu dùng cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng trước khi quyết định giao kết. Trong đó, cần lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Ví dụ: thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức; lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi; các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; các loại phí khác phải trả...
Mặt khác, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu các công ty tài chính có nghĩa vụ phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký và phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng phù hợp với các quy định hiện hành.