Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông tin về điều kiện để người dân được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đây là một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.
Hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung để hướng tới bao phủ toàn dân.
Trong đó, trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (Điều 21, Điều 22) là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.
Cụ thể, quy định độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thấp hơn 5 tuổi so với tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi hiện hành (80 tuổi).
Căn cứ Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây: Từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đáng chú ý, người vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, vừa thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn.
Trong thời gian hưởng trợ cấp hưu trí, họ được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Luật cũng quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tư tưởng xuyên suốt của Chính phủ khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là tăng mức hưởng, quyền lợi của người lao động nhưng không tăng mức đóng, trách nhiệm đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động.
Việc tăng mức hưởng, quyền lợi cho người dân chủ yếu từ sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Đơn cử như về chính sách trợ cấp hưu trí xã hội và quyền lợi về bảo hiểm y tế dành cho người từ 75 tuổi trở lên và người từ 70 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Ông Giang cho biết chỉ riêng chính sách này khi có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, sẽ có hơn 1,2 triệu người cao tuổi được thụ hưởng. Dự kiến ngân sách sẽ chi 4.000 - 5.000 tỷ đồng mỗi giai đoạn. "Số tiền này hoàn toàn chi từ ngân sách Nhà nước. Đây là chính sách hoàn toàn vì người dân", Vụ trưởng Phạm Trường Giang nhấn mạnh.
Như vậy, so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, để hỗ trợ cho người cao tuổi không đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, nhằm góp phần bảo đảm tốt vấn đề an sinh xã hội.