Trong báo cáo “Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam” vừa công bố, AM Best – công ty toàn cầu chuyên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp bảo hiểm có trụ sở tại Mỹ duy trì triển vọng ổn định đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam. Tuy nhiên, AM Best lưu ý rằng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 với mức tăng trưởng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. AM Best dự báo tốc độ tăng trưởng này sẽ được duy trì, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế theo hướng phục hồi bền vững sau đại dịch. Cùng với đó là quyết tâm của Chính phủ trong việc cơ cấu lại thị trường tài chính.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng thông qua đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu thô, dịch chuyển sản xuất hoặc hậu cần của họ tới các quốc gia có cùng giá trị.
AM Best dự báo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực vào đầu năm 2023 có thể làm tăng sự hiện diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ lớn dần theo thời gian. Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp bảo hiểm nội đổi mới quản trị, tìm cách bổ sung nguồn vốn, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chris Lim, nhà phân tích tài chính cấp cao của AM Best, đánh giá Luật Kinh doanh bảo hiểm mới sẽ giúp thị trường bảo hiểm củng cố sức mạnh tài chính và thúc đẩy tính minh bạch. Các công ty bảo hiểm của Việt Nam sẽ phải chuyển đổi phương pháp quản lý rủi ro hoặc có những tính toán phù hợp để tuân thủ các quy định mới.
Theo báo cáo, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc lãi suất trong nước tăng hỗ trợ cho thu nhập đầu tư. Mặc dù tăng trưởng kinh tế và phục hồi sau đại dịch đã được củng cố bởi lãi suất thấp, ngân hàng trung ương của đất nước đã báo hiệu ý định thắt chặt chính sách tiền tệ để quản lý lạm phát gia tăng và ổn định Đồng Việt Nam.
Bên cạnh 2 yếu tố dài hạn đến từ triển vọng kinh tế vĩ mô và những thay đổi về thể chế, AM Best cũng chỉ ra trong ngắn hạn và trung hạn, các công ty bảo hiểm cũng được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
“Do tiền gửi có kỳ hạn và các công cụ thu nhập cố định chiếm phần lớn tổng đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nên việc lãi suất dần dần phục hồi về mức trước đại dịch sẽ giúp gia tăng lợi nhuận cho các công ty, ” Michael Dunckley, Giám đốc phân tích của AM Best nói.
Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 49.792 tỷ đồng, tăng trưởng 19,1% so với cùng kỳ 2021 (chưa bao gồm Opes) (năm 2021 tăng trưởng 1,8% so với năm 2020).
Xét theo nghiệp vụ: Bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 13.040 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 26,2% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 17,2% so với cùng kỳ; bồi thường 6.126 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 47%.
Doanh thu bảo hiểm bắt thuộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 3.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,5%, tăng 14,6% so với cùng kỳ; bồi thường 562 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 17,4%.
Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 9.819 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19,7%; bồi thường 5.564 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 56,7%.
Bảo hiểm sức khỏe doanh thu đạt 16.347 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,8%, tăng 29,5% so với cùng kỳ; bồi thường 5.074 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 31%.
Bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu đạt 6.075 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,2%, giảm 1,7% so với cùng kỳ; bồi thường 1.804 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 29,7%.
Bảo hiểm cháy nổ doanh thu đạt 6.988 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14%, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ; bồi thường 1.391 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,9%.
Doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 5.205 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,5%, tăng 19%; bồi thường 792 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 15,2%.
Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 1.782 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,6%, tăng 46,9% so với cùng kỳ; bồi thường 599 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6%.
Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 2.372 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,8%, tăng trưởng so với cùng kỳ 17,4%; bồi thường 457 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,3%.
Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu đạt 2.060 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,1%, tăng trưởng 11,7%; bồi thường 764 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 37,1%.