July 24, 2024 | 17:05 GMT+7

Bà Kamala Harris trước áp lực gây ấn tượng với cử tri gốc Á

Hoài Thu -

Nắm cơ hội trở thành nữ tổng thống gốc Á đầu tiên của Mỹ, bà Kamala Harris có thể phải nỗ lực nhiều để cho thấy xuất thân đã góp phần hình thành quan điểm về thế giới cũng như các chính sách châu Á của bà như thế nào...

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris - Ảnh: Getty Images
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris - Ảnh: Getty Images

Sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố dừng chiến dịch tái tranh cử hôm 21/7, Phó tổng thống Kamala Harris trở thành ứng viên hàng đầu đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Chính trị gia 59 tuổi nhận được sự ủng hộ của ông Biden cũng như đa số đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng Dân chủ - những người sẽ chính thức quyết định ứng viên của đảng vào tháng tới.

KHÔNG NHIỀU DẤU ẤN TRONG CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO

Theo tờ Nikkei Asia, nắm cơ hội trở thành nữ tổng thống gốc Á đầu tiên của Mỹ, bà Kamala Harris có thể phải nỗ lực nhiều để cho thấy xuất thân đã góp phần hình thành quan điểm về thế giới cũng như các chính sách châu Á của bà như thế nào.

Giới quan sát nhận định, thời gian qua, với cương vị phó tổng thống, bà Harris không có nhiều dấu dấn trong chính sách ngoại giao, dù đại diện cho Mỹ tại nhiều sự kiện mang tầm cỡ khu vực ở châu Á. Do đó, nhiều người dự báo bà sẽ vẫn tiếp tục duy trì các chính sách ngoại giao của chính quyền Biden.

Trên thực tế, từ khi bắt đầu nhiệm kỳ phó tổng thống, bà Harris chủ yếu tập trung vào vấn đề nhập cư và tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ Mexico vào Mỹ.

Với châu Á, bà từng đại diện cho Mỹ gặp gỡ nhà lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Bà Harris từng tới Đông Nam Á trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên bên ngoài châu Mỹ dưới cương vị phó tổng thống. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, bà tới châu Á 4 lần, trong đó có 3 lần tới Đông Nam Á, thăm các nước gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Bà cũng từng có bài phát biểu tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương cũng như phát biểu về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Dù các hoạt động ở nước ngoài của bà Harris nhằm củng cố quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh và đối tác, nhưng nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng các chuyến công du của bà không để lại nhiều ấn tượng.

Quan điểm của phó tổng thống về Trung Quốc hầu như tương đồng với quan điểm của lưỡng đảng ở Mỹ, đó là lập trường cứng rắn để chống lại sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Dù bà Harris phản đối việc áp thuế quan với hàng Trung Quốc của chính quyền Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2020, với lý do điều này gây tổn hại tới người Mỹ, chính quyền Biden-Harris vẫn duy trì các loại thuế quan này và tiếp tục đưa ra các biện pháp kiểm soát thương mại đơn phương nhằm vào quốc gia châu Á.

Bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Thái Lan năm 2022, bà Harris đã có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Khi nhận được câu hỏi từ truyền thông về cuộc gặp, bà né tránh những câu hỏi liên quan tới Triều Tiên và Đài Loan, đồng thời bám sát kịch bản đã được định sẵn.

“Việc thiếu kinh nghiệm về chính sách ngoại giao của bà Harris có thể là điều mà các nhà lãnh đạo châu Á chú ý”, ông Dhruva Jaishankar, giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation America, nhận xét. "Bà ấy không có quan điểm mạnh mẽ về châu Á. Lĩnh vực ngoại giao chủ yếu mà bà ấy tham gia trong nhiệm kỳ phó tổng thống là an ninh biên giới và nhập cư từ Mỹ Latinh”.

"MỘT NGƯỜI MỸ KIÊU HÃNH"

Bà Harris sinh ra tại Oakland, bang California, là con gái của hai người nhập cư – một nhà nghiên cứu về ung thư gốc Ấn Độ và một nhà kinh tế gốc Jamaica. Bố mẹ bà Harris ly hôn khi bà còn nhỏ. Sau đó, bà sống với mẹ, bà Shyamala Gopalan Harris, một người theo đạo Hindu và có mối liên hệ mật thiết với nguồn gốc Ấn Độ của mình.

Bên cạnh nguồn gốc từ châu Á, trong cuốn tự truyện "The Truths We Hold: An American Journey" (Tạm dịch: Sự thật ta nắm giữ: Hành trình nước Mỹ) của mình, bà cũng cho biết đã lớn lên trong nền văn hóa của người da màu ở Oakland.

Trong suốt sự nghiệp của mình, bà Harris đã phá vỡ mọi rào cản vô hình về giới và xuất thân của mình. Bà bắt đầu sự nghiệp luật sư tại Văn phòng Công tố Quận Hạt Alameda và sau đó được bầu làm Công tố viên trưởng của San Francisco vào năm 2003.

Năm 2010, bà trở thành nữ giới đầu tiên và cũng là người da màu đầu tiên được bầu làm Tổng chưởng lý bang California. Bà cũng trở thành phó tổng thống da màu và gốc Á đầu tiên tại Mỹ.

Dù không có nhiều mối liên hệ cho thấy xuất thân hoặc quá trình trưởng thành có thể định hình các chính sách của bà, một số nhà quan sát cho rằng bà Harris đã không có nhiều hành động để kết nối với cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Một phân tích gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, người Mỹ gốc Á là cộng đồng gốc nhập cư tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ. Từ năm 2020 đến nay, số lượng cử tri đủ điều kiện của cộng đồng này tăng thêm 2 triệu người.

Tuy vậy, Phó tổng thống có thể không muốn bị đóng khung trong vấn đề xuất thân.

“Các chính trị gia không nên phải bị giới hạn bởi chủng tộc hoặc nền tảng văn hóa của họ”, bà Harris nói với tờ Washington Post và cho biết bà chỉ đơn giản gọi mình là "một người Mỹ kiêu hãnh". “Tôi là chính mình và tôi cảm thấy hài lòng với điều đó”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tại một đất nước dành sự quan tâm lớn cho quá khứ nhập cư và tôn vinh sự đa dạng chủng tộc như ở Mỹ, bà Harris có thể sẽ cần phải dựa vào xuất thân để thu hút cử tri.

“Bà Harris chịu trách nhiệm làm rõ hơn về xuất thân gốc Ấn và gốc Á của mình. Xuất thân đó đã định hình cách suy nghĩ của bà ấy. Điều này sẽ gây được tiếng vang với rất nhiều cử tri”, ông Pawan Dhingra, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á kiêm phó trưởng khoa tại Đại học Amherst College, nhận xét.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate