Sự xuất hiện bất ngờ của DeepSeek - một công ty AI Trung Quốc tuyên bố phát triển mô hình đẳng cấp thế giới với chi phí cực thấp - đã dẫn đến đợt bán tháo lớn cổ phiếu Nvidia và nhiều công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ.
Tuy nhiên, điều thực sự quan trọng đối với nền kinh tế không phải là sự biến động giá cổ phiếu của các "Magnificent Seven" (những tập đoàn công nghệ lớn), mà là liệu AI có thể thúc đẩy năng suất tăng trưởng và phân phối lợi ích đó ra sao. Dù AI đang thu hút hàng nghìn tỷ đô la đầu tư và tạo ra sự phấn khích lớn, bằng chứng về tác động tích cực lên năng suất vẫn rất hạn chế.
Điều này không quá bất ngờ. Lịch sử công nghệ cho thấy những cuộc cách mạng như động cơ điện hay máy tính cá nhân cũng mất nhiều thập kỷ để tác động rõ ràng lên năng suất. Sự bùng nổ sáng tạo cần thời gian để thấm nhuần vào toàn bộ nền kinh tế. Nhưng cuối cùng, khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế phải được thu hẹp.
Theo phân tích của hãng tin Bloomberg, có ba kịch bản có thể xảy ra. Những người lạc quan tin rằng AI sẽ trở thành động lực thúc đẩy thịnh vượng cho cả nhà đầu tư và người lao động. Ngược lại, những người bi quan cho rằng AI chỉ là "chiêu trò" hơn là cuộc cách mạng thực sự, và các khoản đầu tư khổng lồ vào đào tạo mô hình AI có thể không bao giờ mang lại lợi nhuận. Một quan điểm khác cho rằng AI có thể làm giàu cho giới tinh hoa thuật toán, trong khi phần còn lại của xã hội phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
BA KỊCH BẢN TÁC ĐỘNG CỦA AI VỚI NỀN KINH TẾ
Trong kịch bản lạc quan, AI sẽ đáp ứng kỳ vọng và lan rộng khắp nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện mức lương. Theo dự báo của Goldman Sachs, AI có thể giúp GDP của Mỹ tăng 2,3% vào năm 2034. Trong khi đó, Viện McKinsey Global Institute đưa ra dự đoán táo bạo hơn, với mức tăng từ 5% đến 13% vào năm 2040.
Một số chuyên gia còn lạc quan hơn nữa. Anton Korinek từ Đại học Virginia và Donghyun Suh của Ngân hàng Hàn Quốc đã phác thảo nhiều kịch bản tăng trưởng. Trong trường hợp trung bình, AI có thể thúc đẩy tăng trưởng thêm 1 điểm phần trăm mỗi năm. Ở mức cao hơn, con số này có thể đạt tới 6 điểm phần trăm mỗi năm trong thập kỷ tới.
Kịch bản này giả định rằng chúng ta đang tiến gần đến "điểm kỳ dị" — thời điểm máy móc trở nên thông minh hơn con người. Nó cũng giả định rằng những cỗ máy thông minh này sẽ có mục tiêu hỗ trợ con người thay vì trở thành mối đe dọa như Skynet, trí thông minh nhân tạo độc hại trong loạt phim Kẻ Hủy Diệt.
Trong một kịch bản bi quan, AI có thể gặp thất bại khi chuyển từ phòng thí nghiệm ra thị trường, trở thành một "quả pháo xịt" thay vì là động lực thúc đẩy năng suất. Daron Acemoglu, giáo sư tại MIT và người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2024, dự đoán rằng trong 10 năm tới, AI chỉ có thể thay thế khoảng 5% công việc hiện do con người thực hiện. Theo ông, đóng góp của AI vào GDP trong thập kỷ tới chỉ vào khoảng 1%.
Kịch bản thứ ba cho thấy AI có thể mạnh mẽ trong ứng dụng nhưng lại mang đến tác động “phản bội”. Elon Musk từng cảnh báo rằng công nghệ này có thể dẫn đến "sự kết thúc của công việc nhận thức”, và khẳng định rằng "sẽ đến lúc không còn cần việc làm nữa”.
Nếu AI tỏ ra giỏi hơn trong việc thay thế người lao động thay vì tăng cường hiệu suất làm việc, thì một làn sóng thất nghiệp có thể xảy ra, tương tự như việc mất việc làm trong ngành sản xuất sau quá trình tự động hóa và chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế vẫn có thể duy trì hoặc thậm chí tăng tốc, nhưng lợi ích của sự tăng trưởng này sẽ chủ yếu rơi vào tay những người đủ nhanh nhạy để đứng về phía có lợi của cuộc cách mạng công nghệ.
Giáo sư Daron Acemoglu cũng đồng quan điểm này. Năm 2023, ông và đồng nghiệp Simon Johnson tại MIT - cũng là người đoạt giải Nobel - đã xuất bản cuốn sách Quyền lực và Tiến bộ, đánh giá bi quan về tác động của công nghệ đối với lao động. Theo họ, dù những tiến bộ công nghệ trong lịch sử, từ cái cày đến nhà máy dệt, đã giúp nâng cao thịnh vượng cho xã hội, nhưng trong nhiều thập kỷ, người lao động thường là nhóm chịu thiệt thòi.
NGHỊCH LÝ KỶ NGUYÊN AI
Hiện tại, cả ba phe đều đang kiên nhẫn chờ đợi để được chứng minh là đúng. Họ có thể phải đợi một thời gian. Công nghệ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng năng suất, nhưng lợi nhuận không phải lúc nào cũng đến nhanh chóng.
Vào năm 1987, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Robert Solow từng viết, kỷ nguyên máy tính có ở khắp mọi nơi trừ trong số liệu thống kê về năng suất. Khi đó, Bill Gates đang nỗ lực không ngừng để đưa máy tính cá nhân vào bàn làm việc trên khắp thế giới. Tuy nhiên, phải mất thêm một thập kỷ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Alan Greenspan mới tìm thấy dấu hiệu của sự bùng nổ năng suất trong các con số GDP.
Câu chuyện tương tự cũng từng diễn ra với động cơ điện. Theo nhà sử học kinh tế Paul David, phải mất nhiều thập kỷ công nghệ này mới xuất hiện rõ rệt trong thống kê năng suất. Lý do là trước khi động cơ điện có thể được sử dụng rộng rãi, công suất phát điện cần được mở rộng và giá điện phải giảm. Thêm vào đó, các chủ nhà máy, vì muốn thu hồi vốn từ những máy chạy bằng hơi nước hiện có, đã chần chừ trong việc điện khí hóa. Khi họ quyết định chuyển đổi, các nhà máy còn phải tái thiết kế toàn bộ để thích nghi với công nghệ mới.
Đến năm 2025, nghịch lý này dường như quay trở lại với AI. Khoảng cách giữa những cường điệu về AI và mức tăng năng suất vẫn chưa được thấy rõ, thậm chí còn lớn hơn so với thời kỳ bùng nổ máy tính cá nhân.
Bằng chứng về sự bùng nổ của AI trong nền kinh tế vẫn rất khó tìm thấy. Tăng trưởng năng suất là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe kinh tế. Khi năng suất tăng, người lao động có thể nhận lương cao hơn, các công ty sẽ có lợi nhuận lớn hơn, và chính phủ thu được nhiều thuế hơn.
Cho đến hiện tại, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy AI đang thúc đẩy sự gia tăng năng suất. Ví dụ, nhu cầu về năng lượng đang tăng mạnh, với kế hoạch mở lại lò phản ứng hạt nhân tại Three Mile Island ở Pennsylvania vào năm 2028. Chính quyền Biden cũng đã đầu tư vào các nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Arizona, Idaho, New York và Texas. Tuy nhiên, việc tuyển dụng và đầu tư vào công nghệ thông tin, cũng như chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, chưa có sự thay đổi lớn so với xu hướng trước đây.
Một nghiên cứu năm 2024 của các nhà nghiên cứu kinh tế Alexander Bick, Adam Blandin và David J. Deming phát hiện ra rằng chỉ hai năm sau cuộc cách mạng AI, 40% người lớn ở Hoa Kỳ đã sử dụng nó. Để so sánh, phải đến 12 năm sau khi PC ra đời và bốn năm sau khi internet ra mắt công chúng, việc áp dụng các công nghệ mới đạt đến mức đó.
Có thực tế nữa là các nhà đầu tư đang đặt cược rất nhiều tiền rằng AI sẽ thực hiện được lời hứa ban đầu của mình. Ngay cả sau cú sốc DeepSeek, khi thị trường hoảng loạn rằng AI chi phí thấp hơn có thể không yêu cầu nhiều chip cao cấp như vậy, Nvidia vẫn là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới theo vốn hóa thị trường.
Đối với bảy công ty được định vị để hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cách mạng AI - trong đó có Nvidia, Microsoft, Google và Amazon - vốn hóa thị trường đã tăng 15% GDP của Hoa Kỳ kể từ khi AI tạo ra được công bố với công chúng.
Để so sánh, mức tăng vốn hóa thị trường của các nhà vô địch internet đạt đỉnh ở mức cao hơn một chút so với 10% GDP. Các công ty AI vẫn được định giá cao hơn nhiều so với các công ty internet trong những năm đầu thành lập.
Nhưng theo các chuyên gia, đây không chỉ là vấn đề về hiệu quả. Nếu những lợi ích ban đầu từ AI không được phân chia công bằng, các vấn đề về xã hội sẽ được đưa lên hàng đầu. Và nếu AI gây ra tình trạng mất việc làm của lao động trí óc, hậu quả cũng có thể sâu rộng tương tự đối với chiến trường chính trị.