Theo Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, công trình nghiên cứu của ba nhà kinh tế học này cung cấp nền tảng để nâng cao sự hiểu biết về vai trò cần thiết cũng như những lỗ hổng của ngân hàng, và sự sụp đổ của các nhà băng có thể châm ngòi cho khủng hoảng tài chính như thế nào.
Trong ba nhà kinh tế, ông Ben Bernanke là cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ năm 2006 đến 2014. Ông nhận được giải thưởng với công trình nghiên cứu về Đại suy thoái những năm 1930 - cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện tại. Công trình này phát hiện ra rằng hoạt động của các ngân hàng là nhân tố quyết định khiến cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng và kéo dài.
Điều hành Fed trải qua cuộc đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ông Bernanke đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý những tác động của cuộc khủng hoảng đến nền kinh tế Mỹ. Khi đó, Fed đã đi tiên phong với chương trình nới lỏng định lượng, mua tài sản để kích thích tăng trưởng kinh tế. Fed khi đó cũng cải thiện phương thức truyền tải thông tin tới công chúng về quan điểm và ý định của mình. Những cách tiếp cận này hiện là tiêu chuẩn trong phương thức hoạt động của Fed nhằm ổn định thị trường và hỗ trợ nền kinh tế.
“Chúng ta đã chứng kiến sự thất bại của các ngân hàng, nhưng người ta lại nghĩ đó là hệ quả của cuộc khủng hoảng hơn là nguyên nhân của chính cuộc khủng hoảng đó”, nhà kinh tế học John Hassler thuộc hội đồng Nobel, phát biểu tại họp báo ngày 10/10. “Giờ đây, nghiên cứu của ông Bernanke đã thay đổi quan điểm truyền thống đó”.
Trong khi đó, ông Douglas Diamond và Philip Dybvig phát triển các mô hình lý thuyết giải thích nguyên nhân ngân hàng tồn tại và vai trò của ngân hàng trong xã hội khiến chúng dễ bị tổn thương bởi những tin đồn về nguy cơ sụp đổ. Nghiên cứu cũng chỉ ra các cách mà xã hội có thể sử dụng để hạn chế điểm yếu này.
Trả lời các câu hỏi tại họp báo ngày 10/10, ông Diamond chỉ ra rằng việc lãi suất tăng nhanh trên khắp thế giới đang gây ra bất ổn thị trường. Ông dẫn chứng là sự hỗn loạn gần đây tại Anh. Tuy nhiên, nhà kinh tế học này tin rằng hệ thống tài chính hiện tại có khả năng phục hồi tốt hơn trước đây nhờ những bài học xương máu rút ra từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
“Những ký ức gần đây về cuộc khủng hoảng đó cũng như sự cải thiện trong chính sách pháp lý trên khắp thế giới sẽ giúp hệ thống tài chính ít bị tổn thương hơn rất nhiều”, ông Diamond nói.
"Công trình của ông Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig có ý nghĩa quan trọng đối với các nghiên cứu tiếp theo nhằm nâng cao hiểu biết của chúng ta về ngân hàng, quy định ngân hàng, khủng hoảng ngân hàng và cách quản lý khủng hoảng tài chính", Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết trong thông báo trên trang Nobelprize.org.
Giải Nobel Kinh tế, có tên gọi chính thức là giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế, đi kèm với phần thưởng trị giá 10 triệu Kronor Thụy Điển (885.370 USD) được chia đều cho những người đoạt giải. Giải thưởng này không nằm trong hệ thống năm giải Nobel được lập theo di nguyện của nhà khoa học người Thụy Điển Alfred Nobel vào năm 1895 mà do ngân hàng trung ương Thụy Điển lập ra để tưởng nhớ tới ông.
Từ năm 1969 tới năm 2021, đã có 53 giải Nobel Kinh tế được trao. Nobel kinh tế năm ngoái được trao cho ba nhà kinh tế học người Mỹ là David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens với các công trình nghiên cứu về nền kinh tế lao động và quan hệ nhân quả trong lĩnh vực này.