July 09, 2007 | 10:17 GMT+7

Ba tỉnh miền núi phía Bắc liên minh xúc tiến đầu tư

Thanh Hà

Lần đầu tiên, nhóm 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn đã cùng nhau liên minh tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư

Lạng Sơn được đánh giá là tỉnh có vị trí thuận lợi về địa lý và giao thông.
Lạng Sơn được đánh giá là tỉnh có vị trí thuận lợi về địa lý và giao thông.
Lần đầu tiên, nhóm 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn đã cùng nhau liên minh tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngày 9/7/2007 tại Hà Nội.

Một quyết tâm chung cùng với những chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng đang hy vọng mang lại những thay đổi đột biến về đầu tư cho 3 địa phương này trong thời gian tới.

Ngoài 3 tỉnh, hội nghị còn có sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam và sự bảo trợ thông tin của 3 cơ quan báo chí trong đó có Thời báo Kinh tế Việt Nam. Cơ sở quan trọng để 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn quyết định cùng nhau tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chung được bắt nguồn từ những nét tương đồng về địa lý, văn hóa, phong tục tập quán và đặc biệt là có những tiềm năng cũng như những khó khăn chung.

Tạo sức mạnh từ liên vùng

Cả 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn đều có vị trí địa lý liền kề nhau và đều nằm trong cánh cung Đông Bắc của Việt Nam và có chung những tiềm năng như khoáng sản, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông lâm sản.

Trong thời gian gần đây, các mặt đời sống kinh tế xã hội của cả 3 tỉnh đã từng bước được cải thiện, nhất là hệ thống giao thông từ Hà Nội đến các tỉnh và ngược lại. Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, tuy mỗi tỉnh đều có tiềm năng và lợi thế riêng nhưng nếu được đặt trong mối quan hệ phát triển liên vùng thì những tiềm năng và lợi thế đó còn có thể được phát huy tốt hơn nữa.

Trong 3 địa phương đồng tổ chức lần này, Lạng Sơn được đánh giá là tỉnh có vị trí thuận lợi về địa lý và giao thông. Với diện tích tự nhiên 8.305 km2, dân số trung bình 74,6 vạn người, Lạng Sơn chỉ nằm cách Thủ đô Hà Nội 154 km, cách Sân bay quốc tế Nội Bài 165 km và cách cảng biển 114 km.

Lạng Sơn nằm ngay cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hải Phòng và nằm cạnh tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Từ thành phố Lạng Sơn đến thành phố Nam Ninh-Trung Quốc gần 200 km đường bộ. Trên biên giới, Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị và Đồng Đăng), 2 cửa khẩu chính và 7 cặp chợ biên giới.

Lợi thế của Lạng Sơn đã được khẳng định với con số hơn 1.000 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hàng năm tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu năm cao nhất lên tới 700 triệu USD.

Không chỉ có tiềm năng về thương mại và du lịch, Lạng Sơn còn có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú. Toàn tỉnh có tới 86 điểm mỏ quặng, khoáng thuộc 19 loại khoáng sản khác nhau trong đó đáng chú ý là đá vôi, than nâu, than bùn và quặng bô xít.

Bên cạnh đó, với trên 80% diện tích là đồi núi, đất đai mầu mỡ, thuận lợi cho phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung về cây ăn quả đặc sản, cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, cây lâm nghiệp cho nguyên liệu giấy và chế biến gỗ.

Nằm ngay giáp Lạng Sơn, Cao Bằng có diện tích 6.690,72 km2, phía Đông Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với 3 của khẩu quốc gia là Tà Lùng, Hùng Quốc và Sóc Hà.

Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Cao Bằng, Cao Bằng là một tỉnh tương đối giàu tiềm năng về khoáng sản, trong đó lớn nhất là quặng sắt trữ lượng khoảng 56,6 triệu tấn, bô xít trữ lượng khoảng 180 triệu tấn, Mănggan trữ lượng khoảng 6,4 triệu tấn, thiếc trữ lượng khoảng 11,6 ngàn tấn và nhiều loại khoáng sản quý hiếm khác như vàng, đồng, chì, kẽm...

Cao Bằng còn có diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp khoảng 140.000 ha, có khả năng lâm nghiệp khoảng 400.000 ha, khoảng 280 ha rừng tự nhiên. Ngoài ra, tỉnh này còn có nhiều tiềm năng về du lịch với nhiều di tích lịch sử được xếp hạng như khu di tích Pắc Bó, khu rừng Trần Hưng Đạo, di tích Đông Khê...

Cũng giống như Lạng Sơn và Cao Bằng, Bắc Kạn cũng là địa phương có tiềm năng và thế mạnh về công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng.

Theo ông Lý Thái Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, 3 lĩnh vực tiềm năng lớn nhất của Bắc Kạn là khoáng sản, nông nghiệp và du lịch. Trên địa bàn tỉnh có tới 165 mỏ và điểm quặng, các loại khoáng sản có trữ lượng lớn là chì kẽm 70 mỏ và điểm quặng với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn, sắt có 13 mỏ và điểm mỏ, trữ lượng khoảng 22 triệu tấn; vàng có 17 mỏ và điểm quặng, trữ lượng khoảng 39 triệu tấn, đá vôi xi măng khoảng 150 triệu m3...

Về du lịch, Bắc Kạn có khu du lịch Hồ Ba Bể nổi tiếng và các khu di tích lịch sử được xếp hạng như khu ATK Chợ Đồn.

Cả 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn đều kỳ vọng vào những thay đổi về đầu tư trên địa bàn mỗi tỉnh sau hội nghị lần này. Tại hội nghị, lãnh đạo 3 tỉnh sẽ tập trung giới thiệu về các chính sách ưu đãi đầu tư, tiềm năng và các dự án đang kêu gọi đầu tư.

Cũng tại hội nghị, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - doanh nghiệp đồng tổ chức và cũng là nhà tài trợ cho hội nghị sẽ ký kết hợp đồng tài trợ cho một số dự án của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đây cũng được xem là một nỗ lực lớn của ngân hàng này trong việc hỗ trợ và kích thích đầu tư vào 3 tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này. Ngay sau hội nghị, các tỉnh sẽ tổ chức các đoàn, mời các doanh nghiệp tham quan và khảo sát về tiềm năng của các địa phương.

Ưu đãi để thu hút đầu tư

Theo ông Dương Thời Giang, Phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn, điểm nhấn quan trọng của hội nghị là sự hợp tác và thống nhất cao giữa các cơ quan Nhà nước của 3 tỉnh với các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng nhằm đem lại kết quả tốt sau hội nghị. Việc có các tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các nhà đầu tư là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư hiện thực hóa kế hoạch làm ăn của mình.

Trong định hướng của mình, Lạng Sơn xác định hướng ưu tiên phát triển vào các khu vực thương mại, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu; tập trung phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế như vật liệu xây dựng, khai khoáng, chế biến nông lâm sản, thủy điện... khai thác và phát triển mạnh kinh tế đồi rừng.

Xác định kinh tế cửa khẩu là khâu đột phá, hiện tỉnh này đã hoàn thành đề án phát triển khu kinh tế Đồng Đăng-Lạng Sơn, đang trình Chính phủ phê duyệt. Với diện tích lên tới khoảng 400 km2, khu này sẽ tập trung ưu tiên phát triển khu phi thuế quan, phát triển thương mại dịch vụ gắn với các cửa khẩu quốc tế, phát triển công nghiệp, các khu đô thị và các khu du lịch trong quy hoạch.

Tương tự như Lạng Sơn, các tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn đều xác định tập trung phát triển và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của mình là công nghiệp khai khoáng, thủy điện, du lịch và nông lâm nghiệp.

Qua khảo sát, Cao Bằng có thể xây dựng nhiều nhà máy thủy điện với tổng công suất có thể lên tới 300-400 MW. Tỉnh cũng đã quy hoạch khu công nghiệp Đề Thám với quy mô gần 100 ha trong đó tập trung vào các dự án về điện tử viễn thông, cơ khí, chế biến, may mặc...

Tại Bắc Kạn, ngoài các lĩnh vực mũi nhọn như khai khoáng và chế biến nông lâm sản, tỉnh này cũng kêu gọi đầu tư vào dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái Hồ Ba Bể. Dự án này có tổng diện tích đất sử dụng từ 600-1000 ha, tổng vốn đầu tư từ 50 - 100 triệu USD.

Mặc dù còn rất nhiều tiềm năng nhưng cả 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn đều thẳng thắn thừa nhận rằng, còn khá nhiều khó khăn về thu hút đầu tư tại các địa phương này trong đó chủ yếu là vấn đề giao thông, mặt bằng và quy hoạch chưa hoàn thiện. Đây cũng sẽ là những vấn đề mà các tỉnh sẽ tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới.

“Quan điểm của chúng tôi là phải thông tin trung thực đến các nhà đầu tư về tình hình địa phương, cả những thuận lợi và khó khăn và chủ động chỉ rõ cái cần làm, thời điểm làm trong thời gian tới”- ông Dương Thời Giang nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate