Cây vải thiều tại Bắc Giang bước vào chính vụ thu hoạch với sản lượng ước tính lên tới 180 nghìn tấn, thời gian bắt đầu 20/5 đến 20/7. Song, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ loại quả đặc sản này.
Để phục vụ quá trình vận chuyển thông thương được thuận lợi, UBND tỉnh Bắc Giang mới đây đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Y tế và Sở Công Thương hướng dẫn các huyện, TP thực hiện cấp giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, giấy xác nhận lô hàng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh Covid-19 có 2 mặt. Trong đó, một mặt in màu đỏ cờ, mặt còn lại màu trắng ghi nội dung xác nhận lô hàng vải thiều an toàn dịch bệnh Covid-19 (bao gồm: Vải thiều, phương tiện bảo quản, chủ hàng, xe và lái xe vận chuyển).
Cụ thể, giấy xác nhận có các nội dung kê khai, gồm: Chủ lô hàng và lái xe, ghi rõ số chứng minh nhân dân; ngày xét nghiệm và kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2; xuất xứ lô hàng; khối lượng; cơ sở sơ chế, đóng gói; phương tiện vận chuyển (ghi rõ biển kiểm soát phương tiện, đã được phun thuốc khử khuẩn).
Giấy xác nhận này do UBND cấp huyện cấp có xác nhận của Phòng Y tế huyện và ghi rõ thời hiệu. Cùng với ban hành giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn dịch bệnh Covid-19, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang có văn bản gửi UBND các huyện, TP hướng dẫn kê khai thực hiện. Đồng thời yêu cầu chính quyền các địa phương quản lý chặt chẽ giấy xác nhận theo đúng quy định.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng triển khai chuẩn bị mẫu xác nhận các lô vải sản xuất an toàn chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) với các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, phục vụ cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu để vải thiều thông thương thuận lợi.
Bên cạnh hình thức tiêu thụ trực tiếp, UBND tỉnh Bắc Giang còn yêu cầu tập trung cao cho hình thức tiêu thụ, chào bán sản phẩm vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online như: tiki.vn, lazada.vn, sendo.vn, voso.vn...; bán hàng online trên các trang mạng xã hội zalo, facebook, youtube.
Theo đó, toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) được hỗ trợ ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số năm 2021. Mỗi đơn vị tham gia được hỗ trợ 5 triệu đồng/đơn vị để thực hiện ứng dụng TMĐT, các công nghệ mới, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số. Nội dung bao gồm: Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến như: Website, hệ thống email, fanpage trên facebook, landing page; thiết kế gian hàng, đưa sản phẩm lên sàn San24h.vn, Sendo.vn. Voso.vn và sàn Alibaba.com...Tổng kinh phí hỗ trợ 250 triệu đồng trích từ ngồn vốn phát triển TMĐT của tỉnh năm 2021.
Trước đó, tỉnh đã gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp, hỗ trợ xây dựng chương trình đẩy mạnh phân phối vải thiều Bắc Giang qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và trên các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm vải thiều hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ phối hợp chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều ngày 8/6 tới. Công an tỉnh cần tăng cường lực lượng cho Lục Ngạn bảo đam an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tuyến để tiêu thụ vải.
Vào ngày 18/5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Thủ tướng và các tỉnh, TP trong cả nước tạo điều kiện thông thương cho nông sản của Bắc Giang. Giao cho Sở Giao thông - Vận tải kết nối với Hiệp hội vận tải tỉnh làm việc với chính quyền Lục Ngạn để đề ra biện pháp, phương án phối hợp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận chuyển, phương tiện vận tải, bảo đảm an toàn vận chuyển vải sang tiêu thụ ở các tỉnh bạn.