Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang có kế hoạch sử dụng đàm phán thương mại để gây áp lực buộc các đối tác của Mỹ hạn chế giao thương với Trung Quốc.
Ông Trump hiện đang tạm hoãn áp dụng thuế quan đối ứng ở mức cao với nhiều đối tác thương mại của Mỹ trong 90 ngày để đàm phán, nhưng vẫn tăng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc. Tính từ khi ông Trump nhậm chức, hàng Trung Quốc vào Mỹ chịu mức thuế quan bổ sung 145%.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào đồng ý với các thỏa thuận gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ không chấp nhận và sẽ kiên quyết thực hiện biện pháp đối phó có đi có lại", hãng tin CNBC dẫn thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Bộ này cũng cảnh báo về rủi ro với tất cả các quốc gia trên thế giới khi trật tự thương mại quốc tế trở lại kiểu “luật rừng”. Trung Quốc khẳng định sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia để "bảo vệ công lý và công bằng quốc tế", đồng thời mô tả hành động của Mỹ là "lạm dụng thuế quan" và "bắt nạt đơn phương".
Đầu tháng này, Trung Quốc áp đặt thuế quan 125% với hàng hóa Mỹ để trả đũa hành động của ông Trump. Bắc Kinh cũng siết quy định xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng và đưa một số doanh nghiệp Mỹ vào “danh sách đen” bị hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Trước tình hình hiện tại, giới phân tích dự báo Mỹ và Trung Quốc chưa thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai gần, dù ông Trump tuần trước nói rằng ông kỳ vọng hai bên có thể đạt được thỏa thuận trong 3-4 tuần tới.
“Với các quốc gia châu Phi hay mọi quốc gia khác, tất cả đều nên hợp tác và cùng nhau phản ứng với Mỹ”, ông Justin Yifu Lin, Viện trưởng Viện Kinh tế cấu trúc mới tại Đại học Bắc Kinh, nhận định về giải pháp cho chiến tranh thương mại tại một cuộc họp báo ngày 21/4. “Tôi tin rằng những điều vô lý và phi logic sẽ không thể tồn tại lâu được”.
Dù ông Lin không loại trừ khả năng Mỹ và Trung Quốc phân ly hoàn toàn, nhưng ông cho rằng nhiều khả năng hai bên vẫn duy trì kết nối do sự phụ thuộc của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc.
Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc bổ nhiệm ông Lý Thành Cương làm Thứ trưởng Bộ Thương mại và là đại diện cấp cao đàm phán thương mại quốc tế, thay thế cho ông Vương Thụ Văn. Ông Lý Thành Cương hiện là đại sứ Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bắc Kinh đã đâm đơn kiện Mỹ lên WTO vì hành động thuế quan của ông Trump.
Đến nay, Mỹ và Trung Quốc chưa có hành động cấp cao nào để tiến tới đàm phán thương mại. Tuần trước, ông Trump tuyên bố không muốn tăng thêm thuế quan với hàng hóa Trung Quốc nữa bởi điều này sẽ làm gián đoạn hoạt động giao thương giữa hai nền kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền của ông kiên quyết muốn Bắc Kinh phải liên hệ trước để đàm phán.
Trong khi đó, phía Trung Quốc nói rằng không rõ các yêu cầu của Mỹ, đồng thời muốn Washington thể hiện sự tôn trọng và nhất quán trước khi hai bên ngôi vào bàn đám phàn.