Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023 diễn ra trung tuần tháng 6, Ban tổ chức đã chọn Bắc Ninh là địa phương duy nhất để thực hiện khảo sát thực tế. Với sự tham gia của các đại diện là lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, tỉnh Bắc Ninh, một số bộ ngành liên quan như văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông..., lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, hiệp hội đầu tư nước ngoài tại Việt Nam..., Ban Tổ chức mong muốn ngoài việc kết nối lãnh đạo địa phương với các doanh nghiệp, các đại biểu sẽ cùng trao đổi về xu hướng phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến nghị chính sách để Bắc Ninh sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế hàng đầu trong khu vực.
Phát biểu tại sự kiện này, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh đến năm trọng tâm quan trọng mà Bắc Ninh sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, Bắc Ninh tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Năm 2022 Bắc Ninh xếp thứ 7 về chỉ số PCI và thứ 3 PGI (chỉ số tăng trưởng xanh). Theo Bí thư Bắc Ninh, tiếp cận tăng trưởng xanh cũng là xu hướng phù hợp trong bối cảnh Việt Nam muốn xây dựng nền công nghiệp thông minh và công nghệ cao.
Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền số. Hiện theo xếp hạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số DTI (chỉ số chuyển đổi số) của Bắc Ninh năm 2022 xếp thứ 6 toàn quốc. “Chỉ số này tương đối cao nhưng còn rất nhiều việc phải làm để phát triển chính quyền số. Chúng tôi suy nghĩ, chỉ khi nào có hạ tầng số, chính quyền số, con người số thì lúc đó mới có dịch vụ số, nền kinh tế số và xã hội số được. Khởi đầu phải từ chính quyền số, hạ tầng số”, Bí thư Bắc Ninh nêu quan điểm.
Bắc Ninh không chỉ coi thành công của các nhà đầu tư là thành công của tỉnh mà coi thất bại của các nhà đầu tư cũng là thất bại của tỉnh, coi khó khăn của nhà đầu tư cũng là khó khăn của tỉnh, để đồng hành, chia sẻ, tìm giải pháp tháo gỡ. “Nếu khi nào các quý vị thành công song nhận là thành công của tỉnh thì đơn giản quá, còn thất bại chỉ coi là của riêng quý vị thôi mà không là thất bại của tỉnh thì không được” - đấy là quan điểm chung của tỉnh Bắc Ninh trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực. Bắc Ninh bất lợi hơn so với 3 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng bởi hệ thống các trường đại học, nhất là đại học về công nghệ, ở Bắc Ninh không có. Nhưng giáo dục phổ thông Bắc Ninh xếp hạng rất cao. Đơn cử như thi học sinh giỏi quốc gia năm nay Bắc Ninh xếp thứ nhất cả nước về tỷ lệ số thí sinh đạt giải trên số thí sinh tham dự. Được 92/97 giải quốc gia, và rất nhiều giải cao ở các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học. Chất lượng giáo dục đại trà cũng rất tốt.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư trọng điểm cho trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh. Hiện đang có dự án đầu tư nâng cấp năng lực đào tạo cho đơn vị này, để đào tạo công nhân lành nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ. Tỉnh đồng thời cũng sẽ phối hợp với các trường tại Hà Nội, TP.HCM, các trung tâm đào tạo công nghệ cao.
Theo Bí thư Nguyễn Anh Tuấn, Bắc Ninh hiện nhận được sự cam kết của nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ là đào tạo và dần chuyển giao quản lý cho người Việt. Như Samsung cũng có cam kết cụ thể trong việc này, đặc biệt là Tập đoàn Amkor Technology (Hàn Quốc) có cam kết lộ trình khi cung cấp được đủ nguồn nhân lực kỹ sư sau khi đào tạo thì tiếp quản dần các vị trí quản lý cấp trung. Đây cũng là quá trình giúp cho việc học hỏi và lan tỏa công nghệ từ các doanh nghiệp FDI tốt hơn.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã quy hoạch một khu đô thị đại học. Hiện Đại học Dược đã có kế hoạch di dời về đây và đã có vốn ODA của Hàn Quốc. Công nghệ cao ở Bắc Ninh không chỉ đơn thuần là chip, là bán dẫn, không chỉ là công nghiệp điện tử mà còn có công nghệ vi sinh, dược và các lĩnh vực khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe con người, theo ông Tuấn. Đây là định hướng của Bắc Ninh. Bên cạnh đó là cơ cấu lại hoạt động sản xuất vận hành theo mô hình công nghệ cao.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là Bắc Ninh tập trung đầu tư cao cho hạ tầng giao thông. Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 Bắc Ninh dành cho giao thông, công nghệ số lên tới gần 50 nghìn tỷ đồng, trong đó một số công trình giao thông trọng điểm tới đây sẽ được khởi công, kết nối toàn bộ các khu công nghiệp trong toàn tỉnh thành vành đai.
Bắc Ninh cũng đã phối hợp với Bộ Công an đề xuất và trình Chính phủ đưa vào quy hoạch hệ thống sân bay đến năm 2030 - tầm nhìn 2050, theo đó sẽ đầu tư một sân bay lưỡng dụng tại huyện Gia Bình trong đó có mục tiêu có các chuyến bay charter hàng hóa, hành khách và đường đăng được tính toán theo hướng máy bay hàng hóa lớn nhất có thể hạ cánh và đây cũng là sân bay chờ, dự phòng cho hệ thống sân bay Nội Bài, Cát Bi và Vân Đồn.
Ngoài ra là các cảng ICD, cảng cạn, kho ngoại quan cũng được tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, vận hành theo công nghệ thông minh và hiện cùng với cảng đường thủy nội địa Quế Võ tiếp cận đường thủy xuống Lạch Huyện (Hải Phòng) là ngắn nhất.
Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phân tích: Hầu hết hàng hóa của Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang và tới đây là Cao Bằng khi cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) xong thì cũng sẽ tiếp cận cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) thông qua cảng nội địa Quế Võ – cảng Bắc Ninh đã quy hoạch lên tới 300 ha mà hiện tân cảng Quế Võ mới sử dụng 30ha, công suất hàng hóa rất lớn và bắt dầu quá tải. Việc tiếp cận đường thủy ra Hải Phòng chi phí rất thấp, thấp hơn khoảng 50% so với tiếp cận đường bộ. Bắc Ninh làm đồng bộ hệ thống giao thông, kể cả đường sắt, đường thủy, đường nội địa, đường bộ, đường cao tốc, đảm bảo hạ tầng. Tới đây Hà Nội xong cầu Tứ Liên qua sông Hồng từ Ba Đình sang Đông Anh, kết nối với đường 295C (Bắc Ninh) vào cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, và vào đường nối từ cầu Tứ Liên sang Đông Anh. Khi đó, từ thành phố Bắc Ninh chạy về trung tâm Ba Đình chỉ khoảng 25 phút.
“Nói thế để các nhà đầu tư thấy Bắc Ninh hết sức quan tâm tới đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng số tỉnh”, ông Tuấn bày tỏ.
Thứ ba, xuất phát từ chính góp ý của các nhà đầu tư, Bắc Ninh đã phát hiện việc phát triển đô thi ở tỉnh tương đối manh mún, chưa tạo thành hệ sinh thái đồng bộ, đầy đủ, đủ tiện ích để chuyên gia quản lý cấp trung trở lên có thể ở lại sinh sống tại Bắc Ninh. “Đa phần chuyên gia, quản lý ban ngày làm việc ở Bắc Ninh nhưng tối về Hà Nội tiêu tiền, sinh sống”, theo Bí thư Tuấn.
"Bắc Ninh hiện cũng có quy hoạch khu công nghệ thông tin tập trung. Trước đây chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông quy mô 250ha, nhưng giờ Bộ xác định không đầu tư được nữa thì giao lại cho tỉnh để kêu gọi thu hút nhà đầu tư. Bắc Ninh cũng đang hoàn thiện quy hoạch và sẽ kêu gọi thu hút đầu tư trong thời gian tới".
Bí thư Nguyễn Anh Tuấn.
Bởi vậy, ngay sau khi quy hoạch điều chỉnh chung đô thị Bắc Ninh được phê duyệt tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư để phát triển các khu đô thị có chất lượng sống cao, khu lưu trú, khu kí túc xá, campus, không gian làm việc chung cho các startup… đáp ứng những yêu cầu, tiện ích đầy đủ cho các nhà đầu tư, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học có thể sinh sống, làm việc tại Bắc Ninh. Đây cũng gắn với định hướng về mặt tích tụ đô thị để đạt tiêu chí đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ tư, Bắc Ninh đã có định hướng tái cơ cấu đầu tư và chuyển đổi mô hình hoạt động các khu công nghiệp hiện tại và phát triển các khu công nghiệp mới theo mô hình xanh và sản xuất thông minh. Ngay trước mắt ba khu Bắc Ninh sẽ khởi công trong tháng 8, gồm khu công nghiệp VSIP 2, khu công nghiệp Gia Bình 2 và khu Western Pacific.
Bắc Ninh đã trao đổi và thống nhất với các nhà đầu tư định hướng đầu tư khu công nghiệp đó vận hành theo mô hình sản xuất thông minh và xanh. Gắn với việc này Bắc Ninh cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và định hướng chuyển đổi sử dụng năng lượng sang năng lượng xanh, sạch và không phác thải carbon để đáp ứng tiêu chí xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu và Bắc Mỹ của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.
Thứ năm, Bắc Ninh đang chuẩn bị các nguồn lực để chuyển đổi các phương thức hỗ trợ nhà đầu tư từ việc ưu đãi về thuế, sang hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và thiết kế để đáp ứng quy định mới của thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu theo quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), để ngay sau khi có chủ trương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, sẽ thực hiện chuyển đổi hỗ trợ cho các nhà đầu tư theo phương thức trên để đáp ứng kỳ vọng và mong muốn của nhà đầu tư, đặc biệt là các big tech đang rất quan tâm.