April 24, 2021 | 19:19 GMT+7

Bắc Ninh sẵn sàng đón làn sóng FDI

Lý Hà -

Thực hiện chính sách “hai ít, ba cao, bốn sẵn sàng”

Bắc Ninh gây ấn tượng bởi thu hút FDI
Bắc Ninh gây ấn tượng bởi thu hút FDI

Sự hội tụ các tập đoàn đa quốc gia trong giai đoạn 2016-2020 đã đưa Bắc Ninh vào top tỉnh, thành dẫn đầu về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI của cả nước. Đây cũng là kết quả của các chính sách “hai ít, ba cao, bốn sẵn sàng” mà Bắc Ninh thực thi thời gian qua.

Những năm qua nguồn vốn FDI đổ vào Bắc Ninh đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của tỉnh này. Cùng với những lợi thế của tỉnh, nguồn vốn này đã trở thành “cú hích” tạo đột phá để phát triển kinh tế, góp phần quan trọng giúp Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và cũng là vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.

ĐỨNG ĐẦU VỀ GIÁ TRỊ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP

Nếu như đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh có hơn 700 dự án FDI với số vốn đăng ký khoảng 11,7 tỷ USD, thì đến hết quý 1/2021, toàn tỉnh đã có tới 1.653 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 20 tỷ USD, đứng thứ 7 toàn quốc về quy mô vốn đầu tư. 

 

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Bắc Ninh là Tổ hợp các dự án của Tập đoàn Samsung với tổng vốn đăng ký trên 9 tỷ USD; dự án sản xuất, dự án lắp ráp điện thoại di động của Fushan 227 triệu USD; dự án sản xuất máy in, linh kiện điện tử của Canon 130 triệu USD...

Với nhiều đổi mới, sáng tạo trong cơ chế chính sách, Bắc Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ... Trong đó, công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn với tỷ trọng chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp này đã khẳng định vai trò vững chắc, làm “đầu tàu” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Bắc Ninh đạt 38,9 tỷ USD, gấp 1,73 lần năm 2015 và đứng thứ hai cả nước (sau Tp.HCM). Năm 2020, Bắc Ninh đang đứng đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, đạt 1.303 nghìn tỷ đồng, đứng thứ ba về GRDP/người đạt 6.200 USD/người.

Các doanh nghiệp đến với Bắc Ninh đều cảm nhận được sự đồng hành của chính quyền, nhân dân địa phương trong những hoạt động của mình và ngược lại. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp. Qua đó, lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp hiểu nhau hơn để cùng nhau đổi mới phương thức, hình thức làm việc với nhau.

Đặc biệt, điều này đã giúp cho tỉnh tiến hành những nội dung công tác xúc tiến đầu tư có hướng trọng tâm trọng điểm hơn, đồng thời gắn với xây dựng hình ảnh đặc trưng của tỉnh nhằm thu hút các dự án lớn, từ đó tạo sức hút lan toả trong thu hút các dự án vệ tinh hỗ trợ khác.

Song song đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh giao thương, mở rộng thị trường; cải cách các thủ tục hành chính, có nhiều chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp vào làm việc.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, để đạt được kết quả trên, ngay từ những ngày đầu năm 2020, tỉnh đã triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, trong đó chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh cũng tận dụng những cơ hội vàng đón làn sóng đầu tư mới chất lượng, tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư để đẩy mạnh giải ngân các dự án đã đăng ký.

Kết quả trên sẽ là nền tảng để trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Ninh phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.

"HAI ÍT, BA CAO, BỐN SẴN SÀNG"

Năm 2021, dù dự báo còn nhiều khó khăn nhưng Bắc Ninh vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách “hai ít, ba cao, bốn sẵn sàng” để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kép: vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch Covid-19; cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Trong đó, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú ý phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo các điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp FDI trên địa bàn nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Bắc Ninh có diện tích đất là 822,7km2, nhỏ nhất trong cả nước, do vậy nên nhất quán với quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc.

Theo chính sách mới, Bắc Ninh ưu tiên cho các dự án theo tiêu chí “hai ít”: sử dụng ít đất và sử dụng ít lao động nhất. Đây cũng là đặc điểm phù hợp với những nhà đầu tư đưa các công nghệ mới hiện đại vào tỉnh, đồng hành với tiêu chí “ba cao”: suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao, hàm lượng công nghệ cao.

 

Hiện tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đã tăng từ 61,7% năm 2015 lên 86% năm 2020.

Đó cũng là điều lý giải tại sao công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn Bắc Ninh đang từng bước nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, tiếp cận và ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Mặt khác, với ưu tiên lựa chọn của mình, Bắc Ninh cũng đưa ra chính sách “bốn sẵn sàng” để làm “tổ cho Phượng Hoàng”. Đó là:

Một, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư: Hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được phê duyệt chủ trương đầu tư để có đủ quỹ đất, mặt bằng sạch đón đầu làn sóng đầu tư. Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.397,68 ha; 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích 898,27 ha. Cáckhu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc...

Hai, sẵn sàng về nhân lực: Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Tỉnh cũng định hướng phát triển các khu đại học thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Ba, sẵn sàng cải cách: Quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “hỗ trợ và phục vụ”, xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ; quyết tâm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, lấy thước đo niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bốn, sẵn sàng hỗ trợ: Tiếp tục tham mưu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đã, đang và dự kiến sẽ đầu tư vào Bắc Ninh thông qua Mô hình bác sỹ doanh nghiệp, Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tiếp nhận phản ánh kiến nghị tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính qua đường dây nóng...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate