May 26, 2025 | 14:01 GMT+7

Bắc Ninh tăng tốc vào đường đua bán dẫn

Song Hoàng -

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa công bố kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với lộ trình kéo dài đến năm 2045. Từ nền tảng công nghiệp điện tử hiện có, Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu, thiết kế và sản xuất vi mạch hàng đầu khu vực…

Nhà máy bán dẫn Amkor
Nhà máy bán dẫn Amkor

Theo nhận định chung, Việt Nam hiện đang chủ yếu tham gia vào lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói, với sự hiện diện của các tập đoàn như Intel, Samsung, Amkor, Micron… Và hầu hết các hoạt động quan trọng trong chuỗi cung ứng thuộc về các công ty nước ngoài.

Tại Bắc Ninh, địa phương này đang triển khai thu hút đầu tư, thực hiện dự án: “Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn” của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD và “Dự án Nhà máy sản xuất Hana Micron Việt Nam” của Công ty TNHH Hana Micron Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 30 triệu USD; bên cạnh khoảng gần 30 dự án đăng ký hoạt động, sản xuất, gia công trong lĩnh vực điện tử có liên quan đến bán dẫn.

Tuy nhiên, nguồn lao động chất lượng cao đang thực sự là thách thức cho tham vọng của Bắc Ninh. Theo thống kê, lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 57,2%/tổng số lao động trên địa bản tỉnh, trong đó lao động làm việc trong các khu công nghiệp là 294.127 người.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%/tổng số lao động, lao động qua đào tạo nghề chiếm 35,6%/tổng số lao động. Điều này cho thấy sự thiếu hụt lao động có kỹ năng chuyên môn, tay nghề cao.

Bắc Ninh có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 13 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở khác có hoạt động về đào tạo. Đội ngũ giảng viên hiện tại có 3.113 người, trong đó, chỉ có 1,8% là đạt trình độ tiến sĩ, 20,2% đạt trình độ thạc sỹ. Tỷ lệ tuyển sinh ở bậc cao đẳng và trung cấp còn thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu thực tế.

Đặc biệt, áp lực nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh là rất lớn, chỉ tính riêng nhà máy Amkor Bắc Ninh đi vào hoạt động với công suất tối đa dự kiến nhu cầu lao động khoảng 7.000 người, định hướng đến 2035 khoảng 10.000 lao động.

Như vậy, dự kiến nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn thời gian tới (đến hết năm 2030) cần khoảng 10.000-15.000 lao động.

Ngoài thiếu hụt nguồn lực, Bắc Ninh cũng đối mặt với thách thức lớn khác như chuỗi cung ứng bán dẫn nội địa chưa hình thành, thiếu hạ tầng đặc thù như nước siêu tinh khiết hay trung tâm R&D vẫn còn bỏ ngỏ...

Để từng bước chinh phục công nghiệp bán dẫn, Bắc Ninh đặt ra định hướng cụ thể như sau, giai đoạn 2025-2030, Bắc Ninh sẽ thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 01 đến 02 doanh nghiệp thiết kế, 01 nhà máy chế tạo chip bán dẫn và 5 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực.

Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Bắc Ninh đạt trên 1,5 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Bắc Ninh đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Bắc Ninh đạt trên 35 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Bắc Ninh đạt từ 10 - 15%.

Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Bắc Ninh đạt trên 5.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Định hướng đến năm 2045, Bắc Ninh sẽ hình thành ít nhất 30 doanh nghiệp thiết kế, 03 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.

Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Bắc Ninh đạt trên 10 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Bắc Ninh đạt từ 20 - 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Bắc Ninh đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Bắc Ninh đạt từ 20 - 25%. 

Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Bắc Ninh đạt trên 10.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển

Hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại Bắc Ninh tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.

Để hiện thực hóa lộ trình này, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ thực thi loạt chính sách mạnh tay như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị công nghệ cao, đồng thời áp dụng cơ chế “luồng xanh 60%” để rút ngắn thủ tục hành chính cho các dự án bán dẫn.

Một Quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn cũng sẽ được thành lập nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và nội địa hóa chuỗi giá trị. Song song, tỉnh chú trọng vào hợp tác quốc tế, đặc biệt với các tập đoàn như Intel, NVIDIA, Qualcomm, Amkor hay Samsung, cũng như hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Để chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Bắc Ninh sẽ tài trợ học bổng, vay ưu đãi cho sinh viên ngành kỹ thuật vi mạch, mở rộng đào tạo STEM từ phổ thông đến đại học, xây dựng chương trình đào tạo vi mạch đạt chuẩn quốc tế, đồng thời đưa giảng viên đi đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài.

Chính quyền cũng sẽ đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp chuyên biệt và trung tâm tính toán thông minh. Bên cạnh đó là định hướng phát triển hạ tầng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất vi mạch để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Giai đoạn 2025–2027 sẽ là bước chạy đà của Bắc Ninh, với việc quy hoạch và hoàn thiện khu công nghiệp chuyên ngành, đào tạo khoảng 300–500 kỹ sư và ký kết hợp tác với các tập đoàn lớn. Từ 2028 đến 2030, các trung tâm R&D, nhà máy chế tạo và hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa sẽ đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy xuất khẩu linh kiện bán dẫn. Đến 2045, mục tiêu đưa Bắc Ninh thành trung tâm sản xuất chip của khu vực, có vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate