Là doanh nghiệp chăn nuôi theo mô hình khép kín chuỗi Feed - Farm - Food, BAF đã chủ động xây dựng trang trại quy mô lớn tách biệt với khu dân cư, chú trọng công tác kiểm soát dịch tễ nhằm đảm bảo an toàn sinh học; chủ động đầu tư và áp dụng các tiêu chuẩn chăn nuôi quốc tế từ nguồn giống, thức ăn, điều kiện trang trại đến xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Bằng cách đánh giá toàn diện cả cơ hội lẫn thách thức, đưa ra những điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt đểthích ứng và duy trì sự phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, BAF đã gặt hái được nhiều thành tựu trong năm 2024, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra:
Kết quả triển khai dự án: Trong năm 2024, chính thức vận hành nhiều trang trại - cụm trang trại mới với quy mô 17.000 heo nái, 240.000 heo thịt/lứa tương đương 570.000 heo thịt/năm.
Hoạt động hợp tác quốc tế: BAF đã ký kết thành công hợp tác chiến lược với Tập đoàn Chăn nuôi - Thực phẩm Muyuan nhằm tiếp nhận chuyển giao thiết bị, quy trình chăn nuôi thông minh. Đây cũng là tiền đề quan trọng đưa BAF đến sự kiện quan trọng là thành lập 3 công ty con tại Tây Ninh để chuẩn bị phát triển dự án chăn nuôi nhà tầng đầu tiên tại Việt Nam.
Các giải thưởng, chứng nhận: Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi BAF Nghệ An đạt 02 chứng nhận GlobalG.A.P. và FSSC 22000; 9 trang trại đạt chứng nhận GLOBAG.A.P. Đồng thời công ty cũng được Cục Chăn nuôi vinh danh là “Doanh nghiệp tiêu biểu về công nghệ quản lý – xử lý chất thảI” và “Doanh nghiệp tiêu biểu về chăn nuôi an toàn sinh học”.
Kết quả kinh doanh: Trong năm 2024, doanh thu thuần đạt 5.640 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cả năm 2024 tăng 36,3% (trong đó hoạt động chăn nuôi đóng vai trò chủ chốt với mức tăng trưởng 161,7% so với cùng kỳ năm 2023). Lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế của Công ty đều tăng, tương ứng 108% và 105% so với kế hoạch.

Sang năm 2025, BAF định hướng phát triển công ty trên nền tảng “Chuyển đổi số - Phát triển xanh - bền vững”, đảm bảo giữa hiệu quả sản xuất kinh doanh với các mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể: tối ưu hóa mô hình chăn nuôi khép kín và mở rộng sản xuất nhằm nâng cao khả năng tự chủ, kiểm soát chi phí; tăng cường hợp tác chiến lược với các đối tác trong và ngoài nước nhằm chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường; đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm từ mảng Food và mở rộng các kênh phân phối, đưa sản phẩm đến rộng rãi với người tiêu dùng. Đồng thời triển khai song song các hoạt động củng cố quản trị doanh nghiệp, phát triển đội ngũ, các hoạt động xã hội cộng đồng.
Trong mảng Feed: Khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới tại Bình Định với công suất thiết kế 300.000 tấn/năm, nâng tổng số lượng lên 3 nhà máy và tổng công suất hệ thống lên 760.000 tấn/năm.
Trong mảng Farm: Dự kiến vận hành nhiều trang trại - cụm trang trại mới. Tiếp tục mở rộng các dự án quỹ đất đã mua và triển khai xây dựng dự án mới nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng đàn trong những năm tiếp theo. Trong đó có công tác chuẩn bị các thủ tục pháp lý để phát triển dự án trang trại chăn nuôi nhà tầng với tổng diện tích 1.550 hecta, gồm 4 tòa nhà tích hợp trang trại chăn nuôi và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là cơ sở quan trọng để BAF hướng đến hoàn thành mục tiêu đạt 10.000.000 heo thương phấm vào năm 2030.
Trong mảng Food: Triển khai dự án Nhà máy chế biến thịt tại Bình Phước với năng lực chế biến thịt 240 con/giờ và năng lực chế biến suất ăn công nghiệp đạt 100.000 suất/ngày.
Trong phần giải đáp trực tiếp tại Đại hội, Bà Bùi Hương Giang - Tổng giám đốc công ty - cho biết kết quả kinh doanh quý 1/20205 của BAF đạt mức doanh thu hơn 1.100 tỷ đồng, sản lượng heo bán ra đạt khoảng 160.000 con, lợi nhuận trước thuế đạt 140 tỷ đồng (lợi nhuận đạt 110% so với kế hoạch mục tiêu phân bổ từng quý trong tổng thể kế hoạch cả năm 2025).
Về kế hoạch tài chính, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2025 đạt khoảng 5.602 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 774 tỷ đồng. So với kết quả năm 2024, doanh thu giữ nguyên nhưng lợi nhuận tăng tới 91%. Cơ cấu doanh thu cũng sẽ chuyển dịch từ mảng chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 60% (40% còn lại đến từ mảng nông sản) trong năm 2024 sang tập trung hoàn toàn vào mảng chăn nuôi vào năm 2025. Tổng sản lượng heo bán ra trong năm dự kiến đạt 900.000 con.
Đánh giá về sức cạnh tranh của BAF trong lĩnh vực chăn nuôi heo, theo Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT, thách thức lớn nhất trong ngành là diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi (ASF). Trước thời điểm dịch bùng phát, chăn nuôi nhỏ lẻ - nông hộ chiếm đến hơn 70% so với chăn nuôi công nghiệp - quy mô lớn nhưng hiện nay tỷ trọng này đã đảo chiều khi chăn nuôi nông hộ đã giảm xuống dưới 50% và dự đoán sẽ chỉ còn xấp xỉ 30% cho đến năm 2030.
BAF đang đặt ra một mục tiêu vô cùng khát vọng với tầm nhìn khoảng 1,8 triệu heo thương phẩm bán ra vào năm 2026; từ 3,5 - 4 triệu heo thương phẩm bán ra vào năm 2027 và đến năm 2030 con số này sẽ đạt 10 triệu heo. Cạnh tranh khốc liệt là điều không thể tránh khỏi và BAF đang nỗ lực “chạy đua” để lấp đầy thị phần đang giảm từ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đặc biệt chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế để đẩy mạnh quản trị an toàn sinh học, kiểm soát dịch tễ, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Cũng theo chia sẻ từ HĐQT, BAF xác định mục tiêu dài hạn không chỉ tập trung vào sản phẩm thịt heo mà sẽ đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu từ thịt heo thông qua việc xây dựng các nhà máy giết mổ, chế biến sâu quy mô lớn. BAF cũng định vị sau năm 2030 sẽ trở thành công ty thực phẩm.