Đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc khủng hoảng đang lan rộng khắp châu Âu. Ở miền đông nước Pháp, hàng chục ngôi làng đã phải tắt đèn đường vào lúc nửa đêm. Còn Warsaw, thủ đô của Ba Lan, đang trợ cấp cho các hộ gia đình thay thế bếp đốt dùng hóa thạch bằng máy bơm nhiệt.
"GỒNG MÌNH" CHỐNG CHỌI
Chiến tranh Ukraine cùng với việc Nga siết nguồn cung đang đẩy giá dầu và khí đốt tăng mạnh ở châu Âu, buộc khu vực này phải tìm đủ cách để giảm thiểu sử dụng năng lượng.
Là quốc gia tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất ở châu Âu, Đức có thể là nước bị tổn thương nhiều nhất khi Nga siết cung năng lượng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng đang chịu ảnh hưởng bởi giá năng lượng leo thang và thiếu hụt nguồn cung.
Mức độ khắc nghiệt của mùa đông sắp tới là yếu tố then chốt. Mùa đông ôn hòa ở châu Âu sẽ giúp giảm nhu cầu khí đốt trên toàn cầu, cũng như các đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19 ở Trung Quốc – nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất thế giới. Ngược lại, một mùa đông khắc nghiệt với nhiệt độ lạnh sâu sẽ làm tăng nhu cầu và đẩy giá khí đốt tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu không thể chờ để xem thời tiết mùa đông ra sao.
Nằm trong nỗ lực đẩy nhanh việc giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, Italy đã xem xét Algeria như một nhà cung cấp khí đốt tiềm năng mới. Nước này cũng tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đốt nhiều than đá hơn để giúp đảm bảo điện chiếu sáng cho các hộ gia đình và hoạt động của các doanh nghiệp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng cảnh báo rằng Pháp sẽ phải “gồng mình” để cắt giảm hoàn toàn khí đốt tự nhiên Nga. Theo ông, để giải quyết tình trạng thiếu khí đốt, Chính phủ Pháp sẽ chuẩn bị một kế hoạch nhằm hạn chế sử dụng năng lượng. Ông cũng lưu ý rằng ngành công nghiệp điện hạt nhân lớn của Pháp khiến nước này ít bị tổn thương hơn so với một số nước láng giềng châu Âu.
Bài 1: Châu Âu có thể “sống” mà không cần khí đốt Nga?
Bài 2: Ngành thép châu Âu có sụp đổ?
Bài 3: Khủng hoảng khí đốt dồn ngành công nghiệp hoá chất Đức vào chân tường
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne hồi đầu tháng 7 thông báo với các nhà lập pháp rằng Chính phủ sẽ tái quốc hữu hóa tập đoàn điện lực khổng lồ Électricité de France - công ty sản xuất phần lớn điện năng ở Pháp và vận hành tất cả các nhà máy điện hạt nhân.
Ở Bỉ, Chính phủ đã đảo ngược quyết định tiến tới loại bỏ dần năng lượng hạt nhân vào năm 2025 và kéo dài tuổi thọ của hai lò phản ứng thêm một thập kỷ nữa. Còn các Chính phủ ở Áo và Hà Lan đang thực hiện các bước để khôi phục các nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa hoặc đang dự kiến ngừng hoạt động. Những động thái này làm dấy lên lo ngại rằng những nỗ lực của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ đi chệch hướng.
Tập đoàn cung cấp khí đốt và điện National Grid của Anh mới đây công bố báo cáo thường niên, trong đó đánh giá những tác động do nguồn cung năng lượng dự kiến bị thắt chặt vào mùa đông năm nay.
“Dù Anh không phụ thuộc vào khí đốt của Nga như phần còn lại của châu Âu, nhưng rõ ràng là việc dòng chảy khí đốt vào châu Âu bị siết lại có thể gây ra những tác động trực tiếp tới Anh, bao gồm giá cả tăng rất cao”, National Grid chỉ ra trong báo cáo đánh giá.
Dù vậy, tập đoàn này khẳng định sẽ ứng phó được với tình trạng giá năng lượng đắt đỏ và khó đoán, hay việc bắt buộc phải cắt điện, bằng cách hoãn việc đóng cửa các nhà máy điện than.
National Grid cũng sự tham gia nhiều hơn vào “phản ứng từ phía nhu cầu”, có thể bao gồm việc giảm sử dụng điện của các hộ gia đình và doanh nghiệp, hoặc chấp nhận việc áp đặt mức trần sử dụng điện.
Ở Đức, thành phố Munich đang dự định khôi phục các nhà máy sản xuất điện bằng đầu và than đá, thay cho khí đốt tự nhiên.
KHÔNG CÒN NHIỀU THỜI GIAN
Giá khí đốt tại nhiên tại châu Âu tuần trước đã tăng 25% sau khi tập đoàn Gazprom của Nga thông báo giảm mức cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất bình thường.
Các nước trong khu vực đang đua nhau tích trữ khí đốt cho mùa đông và có thể phải đi tới quyết định phân chia khí đốt theo định mức. Một quyết định như vậy được dự báo có thể đẩy khu vực rơi vào suy thoái trầm trọng khi mà châu Âu phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để sưởi ấm cũng như sản xuất công nghiệp và điện.
Phần lớn châu Âu đang cảm thấy căng thẳng khi Nga siết chặt việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu lục này và Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – là nơi chịu ảnh hưởng nặng nền nhất khi mà gần 50% hộ gia đình của nước này dùng khí đốt để sưởi ấm.
Dù vẫn còn đang giữa cao điểm hè, Đức không còn nhiều thời gian để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt năng lượng vào mùa đông này, điều chưa từng có với một quốc gia phát triển.
Theo các nhà phân tích, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đã không ứng phó nhanh với cuộc khủng hoảng năng lượng khi mà chỉ gần đây mới đưa ra các mục tiêu cắt giảm nhu cầu do nỗ lực đảm bảo nguồn cung thay thế bị thiếu hụt. Với việc Nga tiếp tục thắt chặt dòng chảy khí đốt và Pháp gặp khó khăn trong việc xuất khẩu điện sang các nước láng giềng, mùa đông năm nay ở Đức sẽ không êm đềm và những rủi ro thậm chí sẽ kéo dài qua mùa đông.
Mối lo suy thoái kinh tế và khả năng phải dùng tới biện pháp phân phối khí đốt theo định mức đang bao trùm nước Đức. Các nhà chức trách nước này bày tỏ quan ngại về bất ổn xã hội nếu tình trạng thiếu năng lượng vượt ngoài tầm kiểm soát. Đức thậm chí không thể dựa vào Pháp – nơi các lò phản ứng hạt nhân bị lỗi đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt. Giá điện ở cả Pháp và Đức – hai nền kinh tế lớn nhất châu khu vực – đều tăng lên mức kỷ lục trong tuần trước.
“Khi mùa đông ập đến châu Âu và châu Á, các công ty năng lượng sẽ buộc phải tranh giành nguồn cung cấp khi tự nhiên hóa lỏng vốn đã bị siết lại”, nhà phân tích Penny Leake tại hãng tư vấn Wood Mackenzie Ltd., nhận định. “Việc giá cả leo thang có thể buộc các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động trong mùa đông, giảm khoảng 17% nhu cầu nhiên liệu của các ngành công nghiệp. Nếu dòng chảy qua Nord Stream 1 vẫn duy trì ở mức 20%, chúng ta sẽ tiến tới ngưỡng nguy hiểm”.
Hệ thống kinh tế của chúng ta đang ở trên bờ vực sụp đổ. Nếu không cẩn thận, Đức có thể bị phi công nghiệp hóa.
Michael Kretschmer, thủ hiến bang Sachsen của Đức
Một cuộc khảo sát với 3.500 doanh nghiệp Đức thuộc tổ chức vận động hành lang DIHK cho thấy 16% công ty sản xuất công nghiệp đang cân nhắc giảm hoạt động hoặc từ bỏ một số hoạt động do khủng hoảng năng lượng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Đức có nguy cơ mất 4,8% sản lượng kinh tế nếu Nga cắt hoàn toàn khí đốt, tương đương thiệt hại 220 tỷ Euro (tương đương 225 tỷ USD). Bên cạnh đòn giáng này, Đức còn đứng trước một mối lo nữa là mất đi khả năng cạnh tranh.
“Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có thể sẽ chuyển hướng sang những khu vực có nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy như các bờ biển ở Đức và những nơi giàu năng lượng mặt trời ở Địa Trung Hải. Điều này có nguy cơ quét sạch các khu công nghiệp dọc song Rhine (chảy qua Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Áo, Liechtenstein) và phía nam nước Đức”, một giám đốc điều hành cấp cao tại một công ty lớn ở Đức nhận định.
Một số giám đốc doanh nghiệp hóa chất ở Đức cho biết có thể chuyển sản xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ, nơi họ có thể tiếp cận đường ống khí đốt của Azerbaijan.
“Hệ thống kinh tế của chúng ta đang ở trên bờ vực sụp đổ. Nếu không cẩn thận, Đức có thể bị phi công nghiệp hóa”, ông Michael Kretschmer, thủ hiến bang Sachsen của Đức nói với tờ Die Zeit.
Mặc dù đã trải qua nhiều tháng khủng hoảng, Chính phủ Đức gần đây mới bắt đầu công bố mục tiêu cắt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt lên tới 20%. Trong một động thái cho thấy mức độ khẩn cấp ngày càng tăng, gần đây nước này đã nâng mức mục tiêu dự trữ khí đốt tối thiểu – con số này hiện cao hơn 15 điểm phần trăm so với toàn EU.
Cũng giống Đức, Italy cũng phụ thuộc vào Nga cho hơn 50% nhu cầu khí đốt trong nước. Tuy nhiên, nước này đã nhanh chóng chuyển sang các nguồn cung thay thế từ các quốc gia như Algeria và Qatar. Cùng với đó, việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giúp nước này có sự linh hoạt hơn trong vấn đề năng lượng. Bộ trưởng Bộ chuyển đổi Sinh thái Roberto Cingolani cho biết Italy có thể vượt qua mùa đông mà chỉ cần cắt giảm lượng tiêu thụ nhỏ kể cả khi Nga cắt khí đốt hoàn toàn.
Ngược lại, Đức đang ở trong tình thế nguy hiểm hơn nhiều do nhu cầu khí đốt lớn phục vụ hệ thống sưởi và hoạt động công nghiệp. Nước này có lượng dự trữ thấp hơn. Đức hiện đang phát triển cơ sở hạ tầng LNG, nhưng hệ thống nổi đầu tiên sẽ chưa thể đi vào hoạt động trong năm nay như kỳ vọng của Chính phủ - theo công ty năng lượng khổng lồ Uniper SE của Đức.
Tuy vậy, giữa bóng tối vẫn có tia hy vọng. Tập đoàn Mercedes-Benz Group AG cho cơ sở sản xuất lớn tại thành phố Sindelfingen (Đức) hiện có thể hoạt động mà không cần khí tự nhiên - loại nhiên liệu thường được dùng trong xưởng sơn. Nhà sản xuất ô tô này thậm chí có thể có thừa khí đốt để bù cho tình trạng thiếu hụt ở những nơi khác.
Sự đoàn kết của châu Âu cũng đang được củng cố. Các nước EU đã đạt được một thỏa thuận nhằm cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt trong suốt mùa đông này nếu Nga khóa van. Dù có một số ngoại lệ, kế hoạch này khiến cho việc cắt giảm tiêu thụ trở thành điều bắt buộc trong tình huống khẩn cấp này.
Tại Ludwigshafen, một trung tâm công nghiệp dọc sông Rhine, cơ quan chức năng đang xem xét cơ sở hạ tầng quan trọng nào có thể được tiếp tục mở trong trường hợp xấu nhất. Họ cũng đang cân nhắc chuyển đổi một nhà thi đấu thể thao - nơi thường tổ chức các sự kiện từ hòa nhạc đến biểu diễn chó, thành một "ốc đảo sưởi ấm” với không gian dành cho hàng trăm người khỏi cái lạnh nhiều giờ cùng lúc.
“Chúng tôi biết rằng lúc này nhiều người đang lo lắng và chúng tôi quan tâm tới những lo ngại này. Mọi người đều đã làm điều gì đó và tiết kiệm năng lượng ở mọi nơi có thể. Mỗi kilowatt giờ mà chúng ta tiết kiệm được bây giờ sẽ giúp ích cho chúng ta vào mùa thu và mùa đông”, bà Jutta Steinruck, thị trưởng của Ludwigshafen, cho biết.
Mời quý độc giả đón đọc bài 5: “Đảo lộn dòng chảy thương mại khí hóa lỏng toàn cầu”, trong loạt bài cùng chủ đề: “Khủng hoảng năng lượng và ảnh hưởng đến kinh tế châu Âu”