Nghị định số 172/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, đã không còn quy định hai hình thức kỷ luật trên, để phù hợp với Luật Cán bộ, công chức 2025.
Nghị định số 172 đã quy định 3 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, thay vì 4 trường hợp như quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.
Đó là: (1) Cán bộ, công chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo, hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
(2) Cán bộ, công chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, hoặc cán bộ, công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vợ không thể nuôi con vì sự kiện bất khả kháng, hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp), đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.
(3) Cán bộ, công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật; trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Trước đó, Nghị định số 112/2020 quy định trường hợp "cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép" cũng thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.
Đồng thời, để thống nhất với Luật Cán bộ, công chức năm 2025, Nghị định số 172 cũng sửa đổi, bổ sung về thời hạn xử lý kỷ luật.
Theo quy định mới, thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, người đã thôi việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật.
Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm, cho đến thời điểm cấp có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định, thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày. Trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm, thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày.
Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải bảo đảm xử lý kỷ luật trong thời hạn theo quy định. Nếu hết thời hạn xử lý kỷ luật mà chưa ban hành quyết định xử lý kỷ luật, thì chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành theo quy định của Đảng và pháp luật có liên quan. Đồng thời, phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật nếu hành vi vi phạm còn trong thời hiệu.
Không tính vào thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật với các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật; thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có); thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật, cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế.
Nghị định cũng đã bỏ hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Việc thay đổi này để phù hợp với Luật Cán bộ, công chức năm 2025. Vì Luật này không quy định 2 hình thức kỷ luật trên.
Như vậy, theo quy định mới, hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ gồm: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh; bãi nhiệm.
Hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý; buộc thôi việc.