Trong một bài bình luận trên chuyên mục Op-Ed của tờ New York Times, giáo sư kinh tế học đạt giải Nobel, Paul Krugman, đã chỉ ra bài học từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp.
Theo ông, cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang tiến gần tới chỗ không còn đường để quay lại. Khi viễn cảnh cho một kế hoạch giải cứu Athens dường như cứ mờ mịt dần, giới đầu tư đã ồ ạt bán tháo trái phiếu chính phủ của nước này, khiến mức lãi suất mà Chính phủ Hy Lạp có thể phải đưa ra trong những đợt phát hành nợ sắp tới, nếu có, sẽ không ngừng leo thang.
Do vậy, nếu tiếp tục vay được vốn, Hy Lạp sẽ phải trả lãi nhiều hơn, khiến gánh nặng nợ nần càng thêm căng thẳng. Thực tế này đang xói mòn niềm tin của thị trường và cho thấy, tới thời điểm hiện nay, Hy Lạp rất khó thoát khỏi vòng xoáy vỡ nợ mà họ sắp sửa sa chân vào.
Vậy cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đem đến cho các nước khác bài học gì?
Đúng là Hy Lạp đang phải trả giá cho những bất cẩn trong hoạt động chi tiêu công trước kia của họ. Nhưng Giáo sư Krugman không cho rằng đó là toàn bộ câu chuyện. Thảm họa ở Hy Lạp hiện nay còn phản ánh mối hiểm nguy to lớn mà chính sách tiền tệ giảm phát (bao gồm tăng lãi suất và giảm cung tiền) có thể mang lại.
Giáo sư Krugman nhận xét, điều then chốt về vấn đề của Hy Lạp là cuộc khủng hoảng này không chỉ bao gồm những khoản nợ khổng lồ. Tuy nợ công của Hy Lạp khá cao, tương đương 113% GDP, nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia khác cũng đang hoặc đã từng gánh những mức nợ tương tự mà không hề lâm vào khủng hoảng.
Chẳng hạn, vào năm 1946, nước Mỹ khi đó vừa ra khỏi Chiến tranh Thế giới 2 đã có mức nợ liên bang tương đương 122% GDP. Nhưng các nhà đầu tư khi đó không lo ngại gì, và một thập kỷ sau, tỷ lệ nợ so với GDP của Mỹ giảm còn một nửa. Trong những thập kỷ tiếp theo, tỷ lệ nợ công so với GDP của Mỹ tiếp tục giảm, xuống tới mức đáy 33% vào năm 1981.
Vậy làm thế nào mà nước Mỹ có thể trả được những món nợ mà họ vay thời chiến tranh? Thực tế, nước Mỹ đã không hề làm được điều đó. Vào cuối năm 1946, Chính phủ Mỹ nợ 271 tỷ USD, và vào cuối năm 1956, mức nợ này tăng nhẹ lên 274 tỷ USD. Như vậy, tỷ lệ nợ so với GDP giảm không phải bởi nợ giảm mà vì GDP tăng, cụ thể là tăng gần gấp đôi tính theo USD trong vòng 1 thập kỷ.
Sự gia tăng của GDP tính bằng USD hầu như là kết quả của sự tăng trưởng kinh tế và lạm phát, với cả hai yếu tố này cùng gia tăng với tốc độ khoảng 40% trong thời gian 1946-1956.
Không may cho Hy Lạp, quốc gia châu Âu này không thể kỳ vọng điều tương tự. Lý do nằm ở đồng Euro.
Cho tới gần đây, việc trở thành một thành viên của khu vực sử dụng đồng Euro vẫn được xem là một điều tốt đẹp đối với Hy Lạp, giúp đem tới những khoản vay lãi suất thấp và những dòng vốn khổng lồ. Nhưng những dòng vốn này cũng đồng thời dẫn tới lạm phát và rốt cục, Hy Lạp nhận thấy mình phải đương đầu với tình trạng leo thang của giá cả mạnh hơn ở các nền kinh tế lớn của châu Âu.
Dần dần, Hy Lạp sẽ phải áp dụng chính sách tiền tệ giảm phát để đưa tỷ lệ lạm phát về với mức “hợp chuẩn” với các quy định của khu vực đồng Euro. Và sự giảm phát sẽ làm cho gánh nặng nợ nần của Hy Lạp thêm tồi tệ, trong khi lạm phát giúp nước Mỹ thời hậu Chiến tranh Thế giới nhẹ nợ.
Đó vẫn chưa phải là tất cả. Giảm phát có nhiều tác động bất lợi cho nền kinh tế, làm giảm sút tăng trưởng và việc làm. Do đó, Hy Lạp sẽ khó tìm được đường ra cho mớ bòng bong nợ nần của họ. Ngược lại, Athens sẽ phải giải quyết “núi nợ” trong bối cảnh nền kinh tế ở trong tình trạng khả dĩ nhất cũng chỉ là đình trệ.
Do đó, cách duy nhất để Hy Lạp khắc phục khó khăn là cắt giảm chi tiêu và tăng thuế - những biện pháp có thể làm tỷ lệ thất nghiệp của nước này thêm đáng ngại. Và khi đó, chắc chắn là niềm tin của thị trường trái phiếu vào Hy Lạp càng bị xói mòn, đẩy quốc gia này vào tình trạng tồi tệ hơn.
Vậy giải pháp có thể là gì? Giới quan sát vẫn hy vọng châu Âu sẽ cùng nhau đứng ra bảo lãnh nợ cho Hy Lạp, và đổi lại, Hy Lạp phải cam kết thắt lưng buộc bụng chặt hơn nữa. Đây có thể là một giải pháp tốt, nhưng nếu không có sự ủng hộ của nước Đức, thì châu Âu sẽ không bao giờ đạt được giải pháp này.
Hy Lạp có thể giải quyết một phần vấn đề của họ bằng cách rút khỏi khu vực sử dụng đồng Euro và thực hiện phá giá đồng tiền. Nhưng nếu Athens làm vậy, chắc chắn hệ thống ngân hàng của họ sẽ bị rút vốn ồ ạt. Trên thực tế, do lo ngại về khả năng vỡ nợ của Hy Lạp, nhiều khách hàng đã bắt đầu tháo chạy khỏi các nhà băng của nước này.
Với những lập luận như vậy, Giáo sư Krugman nhấn mạnh, ngoài việc thận trọng trong chính sách tài khóa, các nước cần cẩn trọng với bẫy giảm phát. Ngay cả những quốc gia sử dụng đồng tiền riêng như Nhật Bản cũng có thể rơi vào bẫy này.
Riêng với nước Mỹ hiện nay, Giáo sư Krugman bày tỏ sự lo ngại về những ý kiến đòi hỏi tăng lãi suất cơ bản USD và kết thúc các biện pháp kích thích tăng trưởng từ phía những người chủ trương chống lạm phát mặc dù thị trường việc làm mới chỉ manh nha hồi phục. Nếu những đòi hỏi này được thực hiện, thất nghiệp ở Mỹ rất có thể sẽ tăng mạnh.
Mặt khác, Giáo sư Krugman cũng cho rằng, nợ công của Mỹ sẽ dễ kiểm soát hơn nếu chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì để giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại và lạm phát tăng lên mức vừa phải.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate