February 02, 2024 | 19:39 GMT+7

Baidu AI Cloud và Samsung Electronics China công bố quan hệ đối tác chiến lược về hệ sinh thái AI

Nguyễn Hà

Cú bắt tay giữa Samsung Electronics China và Baidu AI Cloud nhằm cải thiện trải nghiệm AI trên Samsung Galaxy S24 cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh với toàn bộ đối thủ trong ngành…

Mặc dù mới ra mắt, điện thoại Samsung Galaxy S24 nhận được nhiều đánh giá tích cực về khả năng AI tổng quát trên thiết bị. Tính năng được cung cấp bởi Google Gemini Pro và Imagen 2 trên Vertex AI, Samsung S24 là đối tác đầu tiên của Google sử dụng công nghệ này, theo Tech Wire Asia. 

Ấn tượng là thế, nhưng Google hiện đang bị cấm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Vậy Samsung sẽ bán mẫu Galaxy S24 tại đất nước tỷ dân như thế nào?

Không chỉ Google Search mà cả PlayStore, không có bất cứ người dùng nào tại Trung Quốc có thể truy cập vào dịch vụ Google. Và nếu không thể truy cập Google từ Trung Quốc, Samsung làm thế nào để tối ưu hóa khả năng AI trên Galaxy S24 với nền tảng Google Cloud?

Thật may mắn, đây không phải lần đầu Samsung đối mặt với thách thức này. Nếu thiết bị không thể sử dụng Google Gemini Pro tại Trung Quốc, giải pháp thay thế phổ biến nhất luôn là Baidu.

BAIDU VÀ SAMSUNG GALAXY S24

Không quá ngạc nhiên khi Samsung Electronics China và Baidu AI Cloud công bố quan hệ đối tác chiến lược về hệ sinh thái AI. Hai công ty sẽ đồng sáng tạo trải nghiệm AI cho dòng Samsung Galaxy S24, sử dụng khả năng AI tiên tiến từ mô hình nền tảng ERNIE thuộc Baidu.

Việc tích hợp ERNIE vào dòng sản phẩm di động Galaxy AI, trang bị cho S24 một số tính năng nổi bật. ERNIE có khả năng hiểu và xử lý mô hình ngôn ngữ tương tự như Gemini Pro. Tính năng Samsung Note Assistant được cải nhiệm giúp người dùng dịch thuật và tóm tắt nội dung rõ ràng hơn, sắp xếp văn bản thông minh chỉ qua một lần bấm.

Công nghệ mang tới cho S24 khả năng chuyển âm thanh thành văn bản trong thời gian thực, phân biệt nhiều luồng âm thanh khác nhau, hỗ trợ dịch đa ngôn ngữ và tạo biên bản cuộc họp. Nhờ đó, điện thoại từ Samsung mang lại hiệu quả cao trong giao tiếp đa ngôn ngữ và công việc văn phòng.

Tính năng "Circle to Search" sáng tạo của S24 do Google tiên phong phát triển, cũng có sẵn trên Baidu. Tính năng cho phép người dùng thực hiện tìm kiếm trực quan trên văn bản, hình ảnh hoặc video thông qua cử chỉ tay đơn giản, cung cấp kết quả nhanh chóng, chính xác từ Baidu Search.

Phó Chủ tịch Baidu Chen Yifan tuyên bố ứng dụng bot ERNIE sẽ ngày càng phong phú và đa dạng trong tương lai với khả năng xử lý dữ liệu đa phương thức sâu sắc như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và khả năng khai thác chính xác nhu cầu cá nhân hóa người dùng. Có thể nói, ERNIE đã sẵn sàng phát triển loạt sản phẩm AI đáp ứng nhu cầu cá nhân khách hàng.

Tháng 10/2023, Baidu ra mắt mô hình ngôn ngữ ERNIE 4.0, nền tảng AI tiên tiến và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, mô hình tăng cường mạnh mẽ khả năng cốt lõi của trí tuệ nhân tạo trong quá trình hiểu, xử lý và tạo nội dung. ERNIE Bot hiện thu hút hơn 100 triệu người dùng. 

THỊ TRƯỜNG ĐIỆN THOẠI TÍCH HỢP AI TẠI TRUNG QUỐC BÙNG NỔ

Bất chấp lệnh nhiều trừng phạt, Trung Quốc hiện đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển và sử dụng AI tổng quát, thậm chí tích hợp trong các mẫu điện thoại 5G. Theo IDC dự báo, đến cuối năm 2024, "hơn 70% thiết bị tại thị trường Trung Quốc sẽ tích hợp chức năng AI và thiết bị AI chiếm 55% thị trường".

Nhu cầu ngày càng tăng đối với điện thoại tích hợp AI ở Trung Quốc khiến những nhà sản xuất như Samsung áp lực khi cần nội địa hóa sản phẩm công nghệ mà vẫn đáp ứng quy định tại mỗi khu vực.

Theo báo cáo từ Counterpoint Intelligence, doanh số điện thoại thông minh tại đất nước tỷ dân tăng trưởng 6,6% trong quý IV/2023. Trong khi Apple vững vàng “ngôi vương", thì Huawei ghi nhận mức tăng doanh số kỷ lục với 71,1%. Hai hãng điện thoại khác là Xiaomi và Honor cũng nỗ lực duy trì đà tăng trưởng trong hai quý cuối năm 2023.

Hướng tới 2024, Counterpoint Research kỳ vọng ngành công nghiệp điện thoại thông minh Trung Quốc sẽ tăng trưởng một con số so với cùng kỳ năm ngoái, đưa thị trường khởi sắc trở lại sau 5 năm ảm đạm. 

Đầu tháng 1, Apple tung ra chương trình ưu đãi nhằm tận dụng bối cảnh phục hồi nền kinh tế và giảm bớt áp lực từ OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) địa phương. Một số OEM Trung Quốc cố gắng đầu tư hơn vào yếu tố hình thức sáng tạo như màn hình gập và công nghệ hình ảnh tiên tiến nhằm tăng doanh số bán hàng và mở rộng thị trường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate