May 05, 2023 | 16:31 GMT+7

Bán 2.387 xe ô tô trái quy định, Veam thiệt hại hơn 72 tỷ đồng

Đỗ Mến -

Ngày 5/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Veam) gây thất thoát gần 80 tỷ đồng....

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

3 bị cáo đều từng là lãnh đạo cao cấp của Tổng công ty Máy và động lực Việt Nam (Veam), trong đó ông Trần Ngọc Hà là cựu Chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc; Nguyễn Đức Toàn từng là Phó giám đốc Nhà máy ô tô Veam (VM); Phạm Vũ Hải nguyên là Phó tổng giám đốc Veam, nguyên giám đốc Nhà máy ô tô Veam.

Đây là vụ án thứ 2, ông Hà bị truy tố và đưa ra xét xử. Trước đó, năm 2022, TAND TP Hà Nội xử phạt ông Hà 11 năm tù, Nguyễn Đức Toàn 4 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong vụ án gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Veam.

BÁN XE Ô TÔ GIẢM GIÁ TRÁI QUY ĐỊNH

Theo cáo trạng, Nhà máy ô tô Veam (VM) được thành lập từ năm 2008, là chi nhánh thành viên hạch toán phụ thuộc của Veam chuyên sản xuất, lắp ráp, kinh doanh, dịch vụ các loại ô tô tải, xe chuyên dùng và xe buýt… Từ năm 2009, VM bắt đầu sản xuất, lắp ráp xe ô tô tải các loại và bán sản phẩm qua hệ thống kênh phân phối xe gồm đại lý cấp 1 và cấp 2 trên cả nước.

 

Veam được thành lập và hoạt động theo mô hình Tổng công ty Nhà nước.

Đến năm 2010, Veam chuyển đổi mô hình sang công ty mẹ - con với vốn điều lệ 2.372,3 tỷ đồng do Bộ Công ty sở hữu 100% gồm 25 công ty con và đơn vị thành viên.

Năm 2017, Veam chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 88,47%.

Cáo trạng xác định, các bị cáo không thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy định của Veam trong việc bán xe ô tô do VM sản xuất. Sai phạm của các bị cáo xảy ra trước giai đoạn 2017, khi Veam còn là doanh nghiệp Nhà nước.

Theo quy chế đại lý do Veam ban hành thì giá bán cho đại lý phải được quy định và thống nhất cho toàn hệ thống đại lý. Mọi phát sinh ngoài quy chế giám đốc nhà máy phải báo cáo và được tổng giám đốc phê duyệt mới được thực hiện.

Tuy nhiên, trong các năm 2016, 2017, 2018, cùng đời xe, dòng xe, các cựu lãnh đạo của VM đã tự ý quyết định và ký 29 hợp đồng, bán 2.387 xe ô tô tải cho 16 đại lý theo hình thức bán hàng giảm giá với giá bán và tỉ lệ giảm giá không đúng quy định.

Giá bán lô xe này theo quy định là 1.036 tỷ đồng nhưng VM đã bán thấp hơn giá quy định là 69,6 tỷ đồng, làm tăng thêm chi phí vận chuyển là 2,8 tỷ đồng.

Kết quả xác minh tại các đại lý thể hiện, sau khi mua lô hàng giảm giá số lượng lớn, một số đại lý này lại tiếp tục bán xe cho các đại lý khác trong hệ thống với VM mức giá thấp hơn mức giá mà VM đã công bố. 

Ông Hà tại phiên tòa năm 2022.
Ông Hà tại phiên tòa năm 2022.

Cáo buộc thể hiện, các bị cáo Phạm Vũ Hải, Nguyễn Đức Toàn, Trần Đại Lợi với vai trò là Giám đốc, Phó Giám đốc VM đã tự ý quyết định bán số lượng lớn xe ô tô thấp hơn giá quy định, gây thất thoát hơn 72 tỷ đồng cho Veam.

Riêng Trần Đại Lợi đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đã quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

NHÀ CUNG CẤP PHẢI BÁN HÀNG QUA SÂN SAU

Ngoài ra, cáo buộc thể hiện, năm 2013, Công ty cổ phần cao su Sao Vàng (SRC) nhiều lần đến tiếp thị bán hàng cho VM nhưng đều bị từ chối.

Còn Công ty cổ phần Công Nghiệp Cao Su Miền Nam (Casumina) đã bán hàng trực tiếp cho VM nhưng bị giảm dần số lượng qua từng năm. Casumina nhiều lần đến gặp xúc tiến việc bán hàng.

Tuy nhiên, Trần Ngọc Hà và Phạm Vũ Hải đều yêu cầu hai nhà cung cấp phải bán hàng qua trung gian để ''nâng cao chất lượng dịch vụ''.

Sau đó, SRC bán hàng cho VM qua Công ty TNHH ô tô xe máy Liên Anh, Casumina bán hàng qua Công ty TNHH Máy Nông Ngư Nghiệp.

Trong đó, Công ty Liên Anh có sáu thành viên góp vốn gồm Trần Ngọc Hà và các chị, em ruột của mình. Người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Hải, chị gái Trần Ngọc Hà. Đến năm 2019, Trần Ngọc Hà rút khỏi thành viên góp vốn. Công ty này là đại lý của VM từ năm 2009.

Trần Thị Thanh, em gái Trần Ngọc Hà là người đại diện theo pháp luật của Công ty Nông Ngư Nghiệp. Công ty này cũng là đại lý của VM.

Công ty Liên Anh bán vật tư cho VM đúng với giá mua của SRC và sẽ được SRC chiết khấu riêng từ 8-20% doanh số hàng năm.

SRC cho biết nếu VM đàm phán, ký kết trực tiếp thì công ty sẽ chiết khấu cho VM thay vì chiết khấu cho trung gian.

Còn Casumina chi hoa hồng bán hàng cho Công ty Nông Ngư nghiệp là 9% doanh số. Còn VM phải trả cho Công ty Nông Ngư Nghiệp chi phí bán hàng 1-2% doanh số.

Cáo trạng xác định VM có đủ điều kiện đàm phán, ký hợp đồng trực tiếp mua vật tư với các nhà cung cấp để hưởng chính sách giá và chế độ tốt nhất. Việc VM mua qua trung gian đã dẫn đến Veam bị thiệt hại hơn 4,1 tỷ đồng.

Tổng cộng thiệt hại của Veam trong vụ án này là hơn 76 tỷ đồng.

Hiện cơ quan điều tra đã kê biên 2 nhà đất đứng tên bị cáo Phạm Vũ Hải và vợ ở huyện Hoài Đức và quận Cầu Giấy (Hà Nội), tạm dừng giao dịch 140.800 cổ phiếu VEA của Veam chưa lưu ký thuộc sở hữu của Phạm Vũ Hải. Con gái bị cáo Hải cũng đã nộp 300 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03.

Phiên tòa sáng nay bị tạm hoãn do có một luật sư và bị cáo Toàn xin vắng mặt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate