Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết từ thực tiễn triển khai xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số (gọi tắt là chính phủ điện tử), Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới chính phủ số (gọi tắt là Khung kiến trúc) đã nghiên cứu xây dựng và cập nhật, bổ sung một số nội dung mới so với phiên bản 2.0 đã được ban hành.
Cụ thể, khung kiến trúc cập nhật sơ đồ khái quát chính phủ điện tử và mô tả các thành phần sau: Bổ sung nền tảng định danh và xác thực điện tử, hệ thống định danh và xác thực điện tử và việc khai thác, sử dụng các hệ thống này theo quy định; bổ sung Trung tâm dữ liệu quốc gia; kho dữ liệu về con người; kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; bổ sung, cập nhật tên của một số hệ thống theo ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, cập nhật các mô hình tham chiếu về nghiệp vụ (BRM), mô hình tham chiếu dữ liệu (DRM); về ứng dụng (ARM), công nghệ (TRM), và mô hình tham chiếu an toàn thông tin mạng, an ninh mạng (SRM).
Theo đó, đổi tên Mô hình tham chiếu an toàn thông tin trong Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử, phiên bản 2.0 thành Mô hình tham chiếu An toàn thông tin mạng, an ninh mạng để đảm bảo đồng bộ với Luật an toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng. Cập nhật, bổ sung BRM, DRM, ARM nhằm đáp ứng nhu cầu cho việc triển khai Đề án 06 "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/09/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quá trình xây dựng, triển khai áp dụng các nội dung Kiến trúc chính phủ điện tử, các cơ quan, đơn vị phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản. Trong đó, phải phù hợp với Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam và các văn bản hướng dẫn liên quan; phù hợp với định hướng, mục tiêu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số của quốc gia; phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm việc đầu tư triển khai chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số hiệu quả.
Bên cạnh đó, áp dụng hiệu quả các công nghệ số mới; sử dụng, ứng dụng hiệu quả công nghệ điện toán đám mây và các công nghệ hiện đại khác theo lộ trình phù hợp; triển khai các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; phát triển dữ liệu số tạo nền tảng cho triển khai chính phủ điện tử, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao để phát triển các dịch vụ đổi mới sáng tạo.
Việc ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản mới hướng tới Chính phủ số là nhằm hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kiến trúc chính phủ số/chính quyền số của bộ, tỉnh mình; đồng thời hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống kiến trúc chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số từ Trung ương đến địa phương.
Khung Kiến trúc được áp dụng tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.