Ngoài mức lương tối thiểu tháng được quy định như hiện hành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sẽ có thêm lương tối thiểu giờ với mức từ 15.600 – 22.500 đồng/giờ, nếu được thông qua sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2022 tới đây.
TĂNG TÍNH BẢO VỆ CỦA LƯƠNG TỐI THIỂU VỚI LAO ĐỘNG BÁN THỜI GIAN
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Chính phủ quy định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Theo đó, bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, Chính phủ cần có quy định về mức lương tối thiểu giờ.
Tại dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu giờ được đề xuất áp dụng tương ứng vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải, sở dĩ đưa ra đề xuất này là vì đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...), thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động đang có sự cứng nhắc, thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Do đó, bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu giờ để mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đây là loại hình lương tối thiểu được quy định mới nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.
Trao đổi với VnEconomy về đề xuất này, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thừa nhận, thời điểm này mới đề xuất lương tối thiểu giờ là muộn nhưng “có còn hơn không”, bởi thực tế ngay từ khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 2009 vấn đề này đã từng được đưa ra bàn thảo.
“Việc áp dụng lương tối thiểu giờ sẽ có lợi một phần cho người lao động dù mức đề xuất hơi thấp, các nước cũng đều dùng lương tối thiểu giờ đề điều hành thị trường lao động chứ không phải lương tối thiểu tháng”, bà Hương cho biết.
XÁC ĐỊNH LƯƠNG TỐI THIỂU THÁNG HAY GIỜ LÀ GỐC?
Dù ủng hộ có mức lương tối thiểu theo giờ, vị chuyên gia bày tỏ còn băn khoăn về căn cứ xác định, nói rằng cần làm rõ hơn. Theo bà, hiện nay lương tối thiểu tháng chỉ là phần thực lĩnh đến tay người lao động, còn phần chi trả của doanh nghiệp liên quan đến người lao động như chi phí bảo hiểm xã hội, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện điều điện làm việc, gọi chung là tổng chi phí về lao động thường bị “che khuất” đi.
Tuy nhiên khi xây dựng lương tối thiểu giờ, những yếu tố này cần được đưa vào, bởi vì nhóm lao động hưởng lương này thường làm việc không trọn thời gian trong một tổ chức cố định, vì vậy họ sẽ không được hưởng hết các chế độ.
“Nếu dùng lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc thì tiền lương tối thiểu giờ sẽ thấp, nhưng trước mắt trong tiền lương cần tính đủ phần về bảo hiểm xã hội, một phần chi phí về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Căn cứ xác định có thể dựa trên mức sống tối thiểu, các yếu tố thành phần, phải khảo sát trong tháng, giờ đấy xem thu nhập của người lao động là bao nhiêu”, bà Hương phân tích.
Do đây là quy định mới, bà Hương cho rằng, sau này sẽ cần điều chỉnh thêm tùy theo các yếu tố tác động, riêng về vấn đề về kỹ thuật cũng “còn nhiều vấn đề để nói”. “Mức đề xuất lương tối thiểu giờ tôi cho rằng hơi thấp, song cũng cần bao quát nhiều nhóm khác nhau, đây là mức trần thấp nhất để có thể thỏa thuận ở mức cao hơn, còn theo tôi cần cao hơn từ 1,3 – 1,5 lần mức đề xuất thì mới đáp ứng được”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Từng nhiều năm tham gia xây dựng chính sách tiền lương, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cũng chia sẻ với VnEconomy rằng, các nước lấy lương tối thiểu giờ làm gốc, còn ở nước ta nếu tính cả lương tối thiểu tháng và lương tối thiểu giờ thì phải xác định cái nào là gốc.
Không bình luận nhiều về mức đề xuất là cao hay thấp, song theo ông Huân, thông thường ở các nước lương tối thiểu giờ được tính cao hơn lương tối thiểu tháng vì tính chất công việc không ổn định và không đồng bộ.
“Phải xác định lấy lương tối thiểu nào làm gốc, điều quan trọng là cơ sở để xác định lương tối thiểu giờ dựa trên yếu tố nào. Lương tối thiểu tháng trong luật đã quy định rõ dựa trên nhu cầu sống tối thiểu, mức lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng, khả năng chi trả của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động…Còn lương tối thiểu giờ có xác định dựa trên các yếu tố này hay không là cả vấn đề”, ông Huân phân trần.
Theo ông, cách xác định lương tối thiểu giờ dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc như dự thảo đề xuất cũng cần tính toán lại. “Cả về mặt khoa học cũng như cơ sở đều chưa rõ ràng”, vị Nguyên Thứ trưởng nói và nhắc lại, vấn đề quan trọng hiện nay là cần xây dựng cơ sở xác định được mức lương tối thiểu giờ.