"Cùng với những vướng mắc về pháp lý, giá đất trong bảng giá đất tăng cao sẽ làm tăng giá bán nhà ở. Từ đó làm giảm quy mô tổng cầu có khả năng thanh toán do một bộ phận khách hàng không còn đủ khả năng tài chính để mua nhà. Do vậy, có thể dẫn đến sụt giảm lượng giao dịch trên thị trường bất động sản...", nhiều chuyên gia nhận định.
Dự kiến, bảng giá đất áp dụng cho năm 2020 - 2024 tại Hà Nội sẽ tăng bình quân 15 - 30%; tại Bình Dương tăng 45 - 95%; giá đất tại một số địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng lên tới 5 lần so với bảng giá cũ….
Thị trường vẫn thiếu vắng nguồn cung mới
Bảng giá các loại đất (do UBND cấp tỉnh xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ) được xác định làm căn cứ tính tiền sử dụng đất; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất...
Do đó, khi giá đất tăng, chi phí đầu vào của sản phẩm bất động sản đương nhiên sẽ tăng theo.
"Việc tăng giá đất trong bảng giá đất sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, các nhà máy, khu công nghiệp đang thuê đất của Nhà nước. Bởi giá đất tăng thì giá thuê đất cũng tăng, dẫn đến chi phí sản xuất bị đội lên. Khi giá đất tăng 5-10%, doanh nghiệp có thể chấp nhận được nhưng tăng 30 - 40% là đột biến, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest nhìn nhận.
Cũng theo ông Hiệp, với các dự án bất động sản nhà ở, tiền đất thường chiếm 10-14% giá thành. Khi giá đất tăng gấp rưỡi, con số này sẽ lên đến 25% nên giá bán chắc chắc phải tăng. Không những thế, chi phí về đất tăng còn kéo theo tất cả các sản phẩm liên quan đến ngành xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch… cũng sẽ tăng giá. Từ đó đẩy giá thành nhà ở lên cao. Lúc đó, không biết người tiêu dùng có chấp nhận được hay không?
Vẫn biết, đất đai là nguồn thu quan trọng của ngân sách Nhà nước nhưng hiện nay, theo quy định, những dự án có sử dụng đất công đều phải đấu giá, đấu thầu. Với đất thuộc trung tâm thành phố Hà Nội, Tp.HCM thì dù bảng giá đất có tăng cao nữa cũng chưa tiệm cận được giá thị trường.
Tuy nhiên, quỹ đất để làm dự án bất động sản trong trung tâm hầu như không còn. Do đó, số dự án cũng như chủ đầu tư thu được lợi nhuận cao từ chênh lệch địa tô lớn là rất hiếm.
"Tôi cho rằng việc tăng giá đất, cộng với những khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng sẽ gây ra sự chững lại của dòng đầu tư. Và năm tới vẫn là khoảng lặng của thị trường bất động sản, thị trường sẽ thiếu vắng dự án bất động sản mới và với bảng giá đất sắp được áp dụng, giá sản phẩm nhà ở sẽ tăng cao nhưng rất khó bán", ông Hiệp nói.
Làm sụt giảm quy mô thị trường
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, phân tích, hiện nay, tại các địa phương, quy hoạch đất dành cho phát triển nông nghiệp, đất đô thị, đất công nghiệp… khá rõ ràng.
Theo đó, giá đất trong bảng giá đất (gọi chung là giá sàn) tăng cũng là bước minh bạch hoá về giá đất, sẽ khuyến khích người dân ở các thành phố lớn đồng thuận chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, đất đô thị...
Tuy nhiên, giá sàn tăng nhiều so với giá cũ cũng làm cho việc triển khai các dự án bất động sản khó khăn hơn, đồng thời chi phí xây dựng hạ tầng cũng tăng vì mức đền bù, giải phóng mặt bằng cao, chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh đều tăng lên.
Trong khi tín dụng cho bất động sản ngày càng bị thắt chặt, thì tăng giá đất sẽ khiến nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào hoạt động sản xuất do khó có hiệu quả. Việc chuyển đổi mô hình sử dụng đất, đô thị hóa tại các thành phố lớn cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, hiện giá nhà đã quá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân.
Với tình trạng như hiện nay thì trong thời gian tới, nguồn cung dự án nhà ở sẽ tiếp tục giảm. Những dự án nào được triển khai mới, đủ điều kiện đưa ra thị trường sẽ có giá bán cao do chi phí đầu vào tăng, làm hạn chế cơ hội tiếp cận nhà ở của đa số người dân đô thị.
Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cũng cho rằng, bảng giá đất tăng, kéo theo nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng. Khi làm thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, nếu nghĩa vụ tài chính tăng cao, có thể dẫn đến một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp "sổ đỏ", giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng "thị trường ngầm". Nhà nước vừa thất thu thuế, vừa khó quản lý, vừa dễ phát sinh tranh chấp trong xã hội.
Với thị trường bất động sản, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành nhà phố; trên dưới 50% giá thành biệt thự.
Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
"Hiện nay, căn hộ nhà ở thương mại 2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Với cặp vợ chồng (có 1 con) có tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng (60-70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội.
Ngoài ra, mức giá đất quá cao, sẽ đẩy giá thị trường bất động sản lên rất cao, đặc biệt là đẩy giá đất của các dự án (trên thị trường sơ cấp), tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM, bày tỏ.