Một báo cáo mới công bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông, báo GMA News của Philippines cho hay.
Trong bản báo cáo công bố hôm thứ Sáu tuần trước, Cục Hải dương - môi trường quốc tế và các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra trong cái gọi là “đường 9 đoạn” là “không phù hợp với luật pháp quốc tế về biển”.
Bản báo cáo dài 24 trang khẳng định, Trung Quốc đã không thể đưa ra được bất kỳ “tuyên bố chủ quyền lịch sử hợp pháp" nào đối với khu vực trong “đường 9 đoạn”.
“Có vẻ như không có luật, tuyên bố, tuyên cáo hay văn bản chính thức nào khác của Trung Quốc mô tả được và khiến cộng đồng quốc tế chú ý về tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn”, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Báo cáo này cũng nói thêm rằng, các bản đồ của Trung Quốc, ngay cả những tấm có từ năm 1974, không đủ để hậu thuẫn cho các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông.
“Nhiều tấm bản đồ do Trung Quốc xuất bản cũng thiếu sự chính xác, rõ ràng và nhất quán để có thể truyền tải bản chất và quy mô của một tuyên bố chủ quyền trên biển”, báo cáo khẳng định.
Hồi tháng 3, Philippines - một trong những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông - đã kiện Bắc Kinh lên tòa án quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận vụ kiện này và một mực đòi đàm phán song phương để giải quyết vấn đề.
Hôm Chủ Nhật vừa rồi, Trung Quốc một lần nữa tuyên bố sẽ không tham gia vào quá trình phân xử của tòa án quốc tế trong vụ kiện của Philippines. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cáo buộc Manila gây áp lực trong vấn đề Biển Đông.
Căn cứ vào Công ước Quốc tế của Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS), báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là “đi ngược lại luật pháp quốc tế”.
Báo cáo này nói rằng, các quy định đưa ra trong UNCLOS về vùng biển - vốn đã được Trung Quốc công nhận với tư cách một nước tham gia công ước - ủng hộ quyền chủ quyền của một quốc gia ven biển thay vì tuyên bố chủ quyền lịch sử.
“Các điều khoản trong công ước đứng trên bất kỳ sự khẳng định chủ quyền lịch sử nào được đưa ra ở khu vực này”, báo cáo viết. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng duy trì quan điểm cho rằng, các tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên biển Đông sẽ không vượt qua dược “bài kiểm tra pháp lý gồm ba phần” theo luật pháp quốc tế, bởi Bắc Kinh không có “sự thực thi thẩm quyền cởi mở, rõ ràng và hiệu quả” trên vùng biển này.
“Một quốc gia đưa ra tuyên bố chủ quyền không thể chỉ dựa trên các tuyên bố không công khai hoặc các tài liệu mơ hồ như là nền tảng cho tuyên bố chủ quyền được đưa ra. Thay vào đó, các quốc gia phải thiết lập được tuyên bố chủ quyền một cách cởi mở, công khai và với sự minh bạch đầy đủ”, báo cáo viết.
Báo cáo tiếp tục khẳng định lập trường của Washington rằng, Trung Quốc không thể dùng “đường 9 đoạn” để “đơn phương thiết lập đường hải giới với một quốc gia khác”, và “việc phân định hải giới các vùng chồng lấn cần được đàm phán giữa các nước ven biển”.
Theo báo cáo, “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không thể được sử dụng làm biên giới cho lãnh hải của nước này, bởi đường này vượt quá giới hạn 12 hải lý mà UNCLOS đưa ra.
“Đường 9 đoạn” phản ánh lập trường đơn phương của Trung Quốc về vị trí hải giới của nước này với các nước láng giềng. Lập trường như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế về phân định hải giới”, báo cáo có đoạn viết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate