Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới vào sáng nay (30/9) trong trạng thái tăng nhẹ. Giới chuyên gia có quan điểm thiếu đồng nhất về triển vọng của giá vàng trong ngắn hạn, nhưng đều cho rằng diễn biến giá kim loại quý trong tuần này có thể bị chi phối bởi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ.
Lúc gần 8h sáng, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 4,7 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York, tương đương tăng 0,18%, giao dịch ở mức 2.663,6 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương hơn 79,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đã liên tiếp lập kỷ lục trong tuần trước, với giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX có thời điểm vượt qua mốc 2.700 USD/oz. Với mức tăng 14% từ đầu quý và 29% từ đầu năm, giá vàng đang tiến tới hoàn tất quý tăng mạnh nhất 8 năm và năm tăng mạnh nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.
Động lực cho xu hướng tăng của giá vàng đang là căng thẳng địa chính trị và môi trường lãi suất giảm trên toàn cầu.
Cuối tuần vừa rồi, Israel đã đẩy mạnh các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu phiến quân Houthi ở Yemen và Hezbollah ở Lebanon, những lực lượng ủng hộ phiến quân Hamas trong cuộc chiến Israel - Hamas ở dải Gaza. Trong các cuộc không kích này, thủ lĩnh lâu năm của Hezbollah là Hassan Nasrallah đã thiệt mạng.
Tại Mỹ, xu hướng xuống thang của lạm phát tiếp tục được xác nhận qua báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) mà Bộ Lao động nước này công bố vào hôm thứ Sáu vừa rồi.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 52% Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 và khả năng 48% Fed chọn mức giảm lãi suất 48%.
Ở châu Âu, giới chuyên gia dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 10.
Tuy nhiên, ở vùng giá đỉnh, áp lực chốt lời đối với vàng đang lớn.
Trao đổi với trang Kitco Metals, ông Ole Hansen - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản của Saxo Bank - cho rằng “giá vàng có thể giảm 4-6% mà không ảnh hưởng đến tâm lý giá lên nói chung”. Vị chuyên gia nhận định ngưỡng hỗ trợ đầu tiên của giá vàng giao sau sẽ là 2.670 USD/oz. Nếu mức này bị phá vỡ, mốc cần theo dõi là 2.547 USD/oz. Trong kịch bản xấu nhất, ông cho rằng giá vàng có thể không giữ được ngưỡng 2.500 USD/oz.
Phiên ngày thứ Sáu, giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX chốt ở mức 2.680,8 USD/oz.
Một số chuyên gia tin rằng đà tăng của giá vàng vẫn còn.
Chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities dự báo giá vàng sẽ sớm vượt 2.700 USD/oz - mức giá mà ông đã đặt mục tiêu là vàng sẽ đạt được trước cuối năm nay. Theo ông Melek, việc Fed giảm lãi suất mạnh tay và phát tín hiệu tiếp tục hạ lãi suất là những chỉ báo tích cực đối với giá vàng. Ông khẳng định vàng vẫn là một tài sản được ưa chuộng vì thời gian tới Fed sẽ tích cực hạ lãi suất để hỗ trợ thị trường việc làm.
Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trên thị trường vàng sẽ là báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 9 của Mỹ, dự kiến được Bộ Lao động nước này công bố vào ngày thứ Sáu. Một báo cáo xấu hơn kỳ vọng sẽ đẩy mạnh đặt cược vào việc Fed giảm lãi suất với tốc độ nhanh, mở ra cơ hội bứt phá cho vàng.
Ngoài ra, thị trường cũng sẽ chú ý lắng nghe phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Hai tại một sự kiện thường niên của Hiệp hội Kinh tế học kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE). Đây sẽ là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông Powell kể từ cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed hôm 17-18/9.
Đồng USD tăng giá nhẹ sáng đầu tuần, với chỉ số Dollar Index đạt hơn 100,4 điểm.
Dưới áp lực từ việc Fed giảm lãi suất, bạc xanh đã giảm hơn 0,4% trong tuần trước, giảm 1,26% trong 1 tháng trở lại đây và giảm gần 5,2% trong 3 tháng trở lại đây - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.