Năm 2010, khi còn công tác cho một kênh truyền hình lớn, tôi được giao nhiệm vụ thực hiện phóng sự phản ánh về sự trỗi dậy của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Nhân vật được lựa chọn là ông Bùi Ngọc Huyên, người gây dựng lên thương hiệu Vinaxuki đình đám một thời.
Buổi phỏng vấn của ekip chúng tôi và ông Huyên rất vui, ông Huyên chia sẻ khát vọng lớn lao của mình. Ông muốn dành mọi tâm huyết của mình để người Việt có thể sở hữu những chiếc ô tô thuần Việt, chất lượng tốt, giá rẻ. Cùng trong buổi làm việc đó, ông Huyên đón thêm một số nhà báo khác cũng tới phỏng vấn.
Điều làm tôi rất ngạc nhiên đó là cuối buổi, vị giám đốc của Vinaxuki hỏi tất cả các phóng viên: “Đâu, hợp đồng đâu, đưa tớ ký?”. Tôi bối rối và hỏi lại: “Hợp đồng gì hả chú, sao lại hợp đồng?” Ông giám đốc tóc nhuốm bạc, hơi nhíu mày rồi bảo: “Thì hợp đồng truyền thông, đưa đây”.
Ở thời điểm đó, khi còn công tác tại một đơn vị báo chí của Nhà nước, những áp lực về doanh số, hợp đồng tôi chưa từng “nếm qua” nên đã rất thoải mái từ chối lời đề nghị của doanh nghiệp. Quả thật, chúng tôi không chuẩn bị để phỏng vấn và đàm phán để lấy hợp đồng.
Đọc tới đây, phần đông bạn đọc chắc hẳn sẽ hỏi, không lấy hợp đồng thì sẽ xin mua ô tô với giá ưu đãi, với suất ngoại giao? Và thực sự, đó là những câu hỏi đúng, của phần đông công chúng khi nhắc đến cách làm báo của không ít người cầm bút trong giai đoạn mà báo chí chuyển mình theo cơ chế thị trường và ngay sau đó phải đối mặt với áp lực ngàn cân từ “địch thủ” không hề dễ chịu, là mạng xã hội.
Áp lực, khó khăn, hoặc vì tư lợi, trục lợi cá nhân nên có những người cầm bút đã tận dụng mọi “quyền lực” của mình để o ép doanh nghiệp, để doanh nghiệp nhất thiết phải chi tiền để được “yên thân”.
Sau này, khi Vinaxuki không còn hiện diện, những hoài bão, ước mơ về khát vọng ô tô Việt của ông Bùi Ngọc Huyên đã lụi tàn, tôi luôn băn khoăn tự hỏi, liệu rằng trong những giai đoạn doanh nghiệp của ông Huyên gặp thách thức nhất, cần người Việt ủng hộ mạnh mẽ, cần các cơ quan chức năng hỗ trợ tạo điều kiện nhiều hơn, thì báo chí đã chưa song hành đủ hiệu quả với doanh nghiệp này, ít nhất trên lĩnh vực truyền thông, để giúp họ gửi đi thông điệp, hoặc tập hợp các ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý để cùng họ tháo gỡ khó khăn.
Phải chăng, những bài báo công tâm, khách quan khi đó còn quá ít nên tiếng nói, những đề xuất của Vinaxuki dần trở nên yếu ớt. Trong khi đó, người sáng lập doanh nghiệp này vừa phải xoay xở với cả núi công việc, vừa phải “ký hợp đồng” để làm vừa lòng một số nhà báo, tòa báo.
Mặc dù đó là câu chuyện không vui vẻ gì trong chặng đường làm báo đầu tiên, nhưng qua hơn 20 năm gắn bó với nghề viết, tôi đã và vẫn gặp nhiều nhà báo không biết “đếm tầng”, không biết “đánh” doanh nghiệp để ký hợp đồng, không biết bẻ ngòi bút để ép lấy suất ngoại giao, mua ưu đãi.
Họ sống bằng lương và nhuận bút thuần túy, nếu khó khăn thì làm thêm cả nghề tay trái. Tôi luôn tin rằng, với một nền tảng vững chắc được những người làm báo cách mạng vun đắp, thì thế hệ những người cầm bút đi sau, trong giai đoạn đất nước chuyển mình, dù có gặp khó khăn đến đâu, phần lớn nhà báo cũng sẽ vẫn chọn cách làm công tâm, khách quan, luôn cổ vũ, động viên và sát cánh cùng doanh nghiệp.
Năm 2021, khi chuyển tới cơ quan báo chí mới – Tạp chí Kinh tế Việt Nam, tôi đã hiểu rõ hơn về cách thức một tòa soạn báo đã vận hành để đồng hành cùng doanh nghiệp. Trở lại với giai đoạn ngành hàng không Việt Nam gần như “đột quỵ” vì Covid -19, đã có rất nhiều bài báo phản ánh, đưa ra những con số khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp.
Song, để cùng tìm ra những giải pháp tháo gỡ mang tính cấp bách, đột phá, thực sự gỡ khó cho hàng không Việt Nam thì chưa. Nhận thấy những vấn đề rất lớn, có thể khiến hàng không Việt đứng trước nguy cơ “gãy cánh”, Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã chủ động tổ chức buổi đối thoại chuyên đề có tính cấp bách như “Giải pháp cấp bách về vốn để “giữ cánh” cho hàng không Việt”.
Đây là chương trình có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp và đại diện cơ quan quản lý nhà nước. Tại một diễn đàn được tổ chức chuyên nghiệp, chuyên sâu, các chuyên gia kinh tế, đại diện nhiều doanh nghiệp đã cùng bàn bạc sôi nổi, đưa ra các kiến nghị cũng như giải pháp tháo gỡ rất căn cơ, bài bản.
Sau sự kiện này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã xây dựng thành một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó đã tiếp nhận và yêu cầu các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để gỡ khó vốn cho ngành hàng không.
Hoặc như câu chuyện về những khúc mắc của trái phiếu doanh nghiệp, sau khi Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức tọa đàm “Phát triển Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã đề nghị tòa soạn thực hiện thêm một tọa đàm 2 về trái phiếu với chủ đề: “Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử với rủi ro”.
Qua việc tổ chức tọa đàm về trái phiếu doanh nghiệp và nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía Bộ Tài chính, có thể nhận thấy, tiếng nói của doanh nghiệp, thông qua VnEconomy đã được cơ quan quản lý lắng nghe, tham khảo để từ đó đưa ra những điều chỉnh kịp thời, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư cá nhân, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, góp phần quan trọng vào sự cân bằng và bền vững thị trường vốn và tài chính Việt Nam.
Có thể nói rằng tại Tạp chí Kinh tế Việt Nam, khi tiếp xúc với hàng trăm doanh nghiệp tại những sự kiện do báo tổ chức, tôi càng có cơ sở để củng cố thêm niềm tin của mình rằng, doanh nghiệp và báo chí vẫn có mối quan hệ tốt đẹp, cả hai đang cùng tương hỗ lẫn nhau để phát triển.
Những tờ báo, nhà báo có chí hướng đồng hành cùng doanh nghiệp vẫn chiếm đại đa số. Nền tảng tốt đẹp của làng báo vẫn đang được vun đắp bởi những nhà báo kinh tế nhưng không đặt mục tiêu “làm kinh tế” lên hàng đầu. Tiếng nói của doanh nghiệp, thông qua báo chí được truyền tải đúng lúc, đúng chỗ và hiệu quả chính là sự tự hào của đại đa số những người làm báo Việt Nam.
Tháng 5 vừa qua, vị tỷ phú nổi tiếng, ông Vivek Khanna, Chủ tịch Tập đoàn Indic Ims Electrinics Group đã tham dự buổi tọa đàm “Đầu tư công nghiệp điện tử tại Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Ngay sau sự kiện, vị tỷ phú Ấn Độ tới thăm tòa soạn VnEconomy, ông bày tỏ sự cảm kích bởi Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp của ông với các đối tác Việt Nam, đây là một cách thức hữu hiệu để báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp.
“Các bạn có thế mạnh về thông tin, am hiểu những chính sách kinh tế của Việt Nam, hiểu rõ nhu cầu của chúng tôi, nắm rõ khả năng của doanh nghiệp Việt. Chúng tôi rất cần một cầu nối như vậy”, ông Vivek Khanna nhấn mạnh.
Tiến sĩ Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, người vẫn luôn giữ tinh thần làm báo lạc quan, tích cực, thường nói với những nhà báo, phóng viên rằng, hãy “Nhìn chân thực - Nghĩ tích cực - Đưa ra giải pháp hữu ích”, thì có thể song hành bền chặt với doanh nghiệp, kiên trì trên con đường chính đạo, sẽ dẫn tới thành công, như cách làm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy trong 30 năm qua.