Dự phiên bế mạc có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các ban, ngành, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết đây là lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức một diễn đàn quy mô lớn và không phải ở Hà Nội. “Chúng tôi tin tưởng rằng Hội báo đã được tổ chức theo hình thức rất mới mẻ, mang lại điểm nhấn, không chỉ ở mặt tổ chức mà còn ở các hoạt động nghiệp vụ. Thay vì các diễn đàn như thường lệ, đây là lần đầu tiên chúng tôi tập hợp để tổ chức một cách tổng thể. Chúng tôi cũng đã đi theo cách làm của các hội nghị, hội thảo quốc tế với những cách thức tổ chức nhiều phiên và nhiều vấn đề. Thực tế, trong báo chí có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng chúng tôi đã lựa chọn ra 10 chủ đề quan trọng nhất để tập trung. Cá nhân tôi rất muốn tham dự tất cả các phiên để học hỏi và tham khảo”.
Chủ tịch Hội Nhà báo khẳng định sau 10 phiên thảo luận chuyên sâu, Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã thành công tốt đẹp, đón nhận rất nhiều tham luận, ý kiến đánh giá, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu.
Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Hội Nhà báo đã tóm lược những nội dung nổi bật cũng như kết luận cụ thể với từng phiên thảo luận.
Trong phiên thảo luận đầu tiên về "Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí", các ý kiến đã đồng thuận về vai trò quan trọng của báo chí Cách mạng trong tuyên truyền và định hướng của Đảng. Báo chí Cách mạng được xem là cầu nối mật thiết với nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia và đóng vai trò tiên phong trong chống lại cái xấu. Các ý kiến đều khẳng định, tính Đảng, tính định hướng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạt động báo chí Cách mạng
Phiên thảo luận cũng thẳng thắn thừa nhận các thách thức to lớn của báo chí như: cạnh tranh thông tin trong kỷ nguyên số; khi tâm lý, thị hiếu công chúng thay đổi; sự trì trệ trong đổi mới ở một bộ phận người làm báo; sự chậm đổi mới trong phương thức quản trị tòa soạn; đội ngũ không theo kịp cả về năng lực trình độ và bản lĩnh.
Tại phiên thảo luận thứ hai về "Xây dựng môi trường văn hóa báo chí", các diễn giả đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của môi trường văn hóa báo chí trong sự phát triển chuyên nghiệp và đúng định hướng của báo chí Việt Nam. Yếu tố văn hóa được nhấn mạnh trong hoạt động nghiệp vụ và tác phẩm báo chí, tôn vinh tính nhân văn, đoàn kết và giá trị đạo đức.
Các cơ quan báo chí cần thực hiện vai trò của mình trong gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Đối với vấn đề kinh tế có làm “phai nhạt” yếu tố văn hóa trong hoạt động báo chí, các diễn giả nhấn mạnh sự sáng tạo và năng động của cơ quan quản lý báo chí trong việc tìm kiếm nguồn kinh tế bảo đảm để hỗ trợ người làm báo và duy trì công việc báo chí. Khuyến khích người làm báo tìm kiếm giá trị đích thực của nghề báo, bao gồm tính nhân văn, sự trung thực và sự đấu tranh vì công lý.
Trong phiên thảo luận thứ ba về "Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội", kết quả thảo luận cho thấy việc phát triển báo chí dữ liệu là cần thiết để áp dụng chiến lược nội dung vượt trội. Nguồn dữ liệu mở và dữ liệu tự thân của các cơ quan báo chí được nhấn mạnh là quan trọng để phân tích xu hướng và tạo nên nội dung báo chí đa phương tiện.
Các ý kiến cũng khẳng định, báo chí dữ liệu là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam. Để thực hiện điều này, cần có giải pháp tổng thể dựa trên nền tảng lý thuyết và thực tiễn, phát triển từng lĩnh vực trong cơ quan báo chí.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh rằng báo chí dữ liệu là hướng phát triển không thể thiếu của báo chí Việt Nam, và việc xây dựng hệ sinh thái báo chí truyền thông chuyên nghiệp và hiện đại là cần thiết.
Vai trò của các cơ quan định hướng và quản lý như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, và Hội Nhà báo Việt Nam được nhấn mạnh là quan trọng trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển này.
Trong phiên thảo luận thứ tư về "Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn", các diễn giả nhấn mạnh vai trò không thể phủ nhận của công nghệ trong báo chí kỷ nguyên số. Các tòa soạn lớn đang dần biến thành các tập đoàn công nghệ-truyền thông và cần đa dạng hóa nguồn thu, phát triển mô hình kinh doanh kỹ thuật số. Đầu tư vào công nghệ không chỉ để cải thiện hiệu suất mà còn để tạo ra nguồn thu mới thay thế các nguồn thu truyền thống.
Trí tuệ nhân tạo (AI) được nhận định là một yếu tố quan trọng có thể thay đổi cả báo chí và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ pháp lý đến công nghệ để tham gia vào cuộc chơi này. Các chuyên gia đề xuất giải pháp phù hợp để các tòa soạn nhỏ và vừa có thể lựa chọn và thích ứng với xu hướng mới của báo chí thế giới.
Trong phiên thảo luận thứ năm về "Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí", các ý kiến đồng nhất về thách thức nguồn thu đang đặt ra cho báo chí hiện nay. Phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo có thể dẫn đến sụt giảm doanh thu khi các doanh nghiệp tìm kiếm phương thức quảng cáo hiệu quả khác và các trang tin, mạng xã hội cũng thu hút doanh thu quảng cáo từ các cơ quan báo chí.
Các tòa soạn đang nỗ lực mở rộng tiếp cận độc giả qua các nền tảng mạng xã hội. Đa dạng hóa các kênh tiếp cận độc giả được xem là chìa khóa để tạo ra nguồn thu mới. Các cơ quan báo chí đã bắt đầu chuyển đổi sang nền tảng số và đầu tư nhiều vào công nghệ để thích ứng với sự thay đổi này. Sự chuyển đổi này đến từ việc đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên.
Trong phiên thảo luận thứ sáu về "Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích", các diễn giả đã đề xuất 4 giải pháp để phát triển báo chí điều tra.
Đầu tiên, tăng cường đào tạo phóng viên điều tra từ khi học đại học.
Thứ hai, khôi phục lại nhóm chuyên về điều tra tại các cơ quan báo chí, duy trì các chương trình và chuyên mục liên quan để thu hút độc giả và phát triển các nhóm độc giả mới.
Thứ ba, thiết lập cơ chế chính sách hỗ trợ nhân viên điều tra về điều kiện làm việc, thu nhập và tạo ra "Quỹ phòng ngừa rủi ro".
Cuối cùng, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu cơ chế, chính sách; đưa ra các kiến nghị để coi người làm báo chí điều tra là những người thi hành công vụ.
Trong phiên thảo luận thứ bảy về "Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI", các diễn giả đã đề cập đến sức mạnh cách mạng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong tạo ra nội dung truyền hình sinh động và hiểu biết được nhu cầu của công chúng.
AI giúp tăng cường năng suất lao động và thúc đẩy sự phát triển của ngành truyền hình. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro như vi phạm bản quyền và thông tin không chính xác, thiên vị từ các mô hình AI.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tập trung vào việc tạo ra thông tin chính xác và nhân văn, đóng góp vào kho dữ liệu lớn của Việt Nam và phát triển trí tuệ nhân tạo trong nước. Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và sự sáng tạo của con người sẽ đem lại những sản phẩm truyền hình đa dạng và chất lượng.
Trong phiên thảo luận thứ tám về "Phát thanh năng động trong môi trường số", cả tham luận và khán giả đều nhất trí rằng chuyển đổi số là không thể tránh khỏi đối với các Đài Phát thanh - Truyền hình. Để thích ứng, cần nhận thức rõ về thách thức và cơ hội trong kỷ nguyên số, cũng như thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý và nhân viên về môi trường số.
Điều này đặt yếu tố con người ở trung tâm, đồng thời đòi hỏi đầu tư đầy đủ về nguồn lực và xây dựng chiến lược phát triển nội dung số cụ thể. Đây là bước cần thiết để các Đài Phát thanh - Truyền hình có thể tồn tại và cạnh tranh lành mạnh trong môi trường số, đồng thời góp phần vào sự phát triển và cạnh tranh của ngành báo chí trên nền tảng số.
Trong phiên thảo luận thứ chín về "Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo", các diễn giả nhất trí rằng sự hợp tác giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo không chỉ giới hạn ở lĩnh vực quảng cáo và truyền thông thương hiệu.
Tất cả đều nhấn mạnh về tiềm năng của việc hợp tác trong các hoạt động giáo dục công chúng, tuyên truyền và định hướng khuynh hướng tiêu dùng có trách nhiệm, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Điều này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp theo mô hình ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị bền vững).
Sự hợp tác này cũng giúp xây dựng hình ảnh minh bạch và khách quan cho doanh nghiệp trên các nền tảng báo chí đáng tin cậy, là cơ sở để tạo dựng niềm tin từ phía công chúng.
Xu hướng marketing bằng nội dung, đặc biệt là branded content, là phương tiện hiệu quả mở đường cho các giải pháp hợp tác truyền thông giữa báo chí và thương hiệu. Doanh nghiệp cần nhận thức lợi ích riêng của mình trong bối cảnh tổng thể của ngành, khu vực và quốc gia. Họ cũng cần tham gia vào các dự án và chương trình truyền thông xã hội, văn hoá, môi trường để góp phần giải quyết các vấn đề cộng đồng.
Về phía báo chí, cần xây dựng chương trình phù hợp với từng doanh nghiệp, thể hiện cam kết đối với cộng đồng và hỗ trợ quảng bá hình ảnh doanh nghiệp một cách tích cực và hiệu quả.
Trong phiên thảo luận thứ mười về "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số", các diễn giả đã đặt ra một số vấn đề quan trọng liên quan đến hệ thống pháp luật về tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan.
Mặc dù đã có các văn bản pháp luật nhưng vẫn tồn tại những bất cập và phân tán. Ở góc độ chủ thể và người sáng tạo nội dung, các nhà báo và cơ quan báo chí vẫn còn lúng túng và chưa thật sự quyết liệt trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Các diễn giả đã thảo luận về các giải pháp để bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số, nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí, cũng như đóng góp kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến bảo vệ bản quyền báo chí. Đồng thời, các diễn giả đề xuất cải tiến Luật báo chí để tăng cường hành lang pháp lý về bản quyền báo chí và thúc đẩy hoạt động kinh tế báo chí phát triển.
Tổng kết lại, đồng chí Lê Quốc Minh đã đánh giá cao chất lượng của tất cả các phiên thảo luận và hy vọng rằng những kết quả đạt được tại Diễn đàn báo chí toàn quốc năm nay sẽ được hiện thực hóa và mang lại những thay đổi tích cực trong báo chí cách mạng của Việt Nam.