Trong thời đại số, mối quan hệ của doanh nghiệp ngày càng trở nên phức tạp, đa chiều với những đòi hỏi mới. Làm thế nào để báo chí và doanh nghiệp có thể “cộng sinh” một cách hiệu quả khi cả hai đang phải đối mặt với những thay đổi chưa từng có?
Ngay từ buổi đầu của các doanh nghiệp trong lịch sử, công tác truyền thông doanh nghiệp luôn gắn liền với sự ra đời và phát triển của các loại hình truyền thông. Có thể thấy sự thay đổi lớn từ truyền miệng, cáo thị, quảng cáo cho đến sự ra đời của báo chí đại chúng vào thế kỷ 17, 18 với sự lên ngôi của báo in.
NHỮNG THAY ĐỔI TRONG TRUYỀN THÔNG DOANH NGHIỆP
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20), đã mang tới những phương tiện mới như điện báo, điện thoại, radio, truyền hình. Doanh nghiệp không cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước và hệ thống bưu điện nữa để có thể mang thông tin đến công chúng mục tiêu.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba với trọng tâm là công nghệ thông tin đã mang đến khả năng phát tán thông tin tuyệt vời, đặc biệt với sự ra đời của máy tính cá nhân, mạng Internet (đầu những năm 70), web 1.0 năm 1991, web 2.0 những năm 2001, sự lên ngôi của mạng xã hội từ những năm 2004 đã làm đảo lộn phương thức truyền thông của doanh nghiệp. Giờ đây, họ đã có thể sở hữu những kênh báo chí (báo in, báo hình, báo tiếng, báo mạng và tích hợp cả 5 loại hình báo chí này) để phát thông tin ra với công chúng.
Có những video doanh nghiệp “công chiếu” và thu hút được hàng triệu lượt view, các video kết hợp với người nổi tiếng có thể có cả tỷ view… công tác truyền thông doanh nghiệp đã có những bước chuyển biến vượt bậc. Điều này cho phép doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về mặt thông tin cũng như tương tác hai chiều, ba chiều. Hệ sinh thái truyền thông của doanh nghiệp là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nền tảng online và offline, hybrid, giữa các kênh truyền thông tự có, truyền thông trả tiền và truyền thông lan tỏa.
Báo chí là một trong những kênh truyền thông không thể thiếu của doanh nghiệp. Một bài báo quốc tế khen ngợi thương hiệu sôcôla Marou, món nem, gạo ST25, vẻ đẹp của bưu điện TP.HCM, hãng hàng không giá rẻ của nữ tỷ phú đô la đầu tiên tại Việt Nam… đã góp phần lớn vào sự lan tỏa của những thương hiệu này tại Việt Nam và thế giới, ngay cả khi người ta nghĩ rằng truyền thông xã hội đã thu hút hết sự chú ý của công chúng đương đại.
Người tiêu dùng cũng có thể đưa ra thông tin của mình, yêu cầu doanh nghiệp hồi đáp ngay; người tiêu dùng gặp nhau qua các phương tiện truyền thông xã hội (như diễn đàn, group mạng xã hội, room chat trên không gian games, comment bình luận trên các trang báo mạng, trang thông tin điện tử, app thông tin…); người tiêu dùng ngày càng muốn và đã thực sự tham gia từ sớm vào công tác R&D và phát triển sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Thành
- Chuyên gia truyền thông.
- Đồng sáng lập Elite PR School.
- Giám đốc điều hành CSCI Indochina.
Việc “dân chủ hóa” khả năng sử dụng các kênh truyền thông xã hội và web 2.0 đã mang lại nhiều cơ hội quảng bá cho doanh nghiệp, nhưng cũng đặt doanh nghiệp trước các thử thách lớn về việc lựa chọn nội dung và cách thức truyền thông phù hợp với từng đối tượng công chúng mục tiêu. Doanh nghiệp cũng phải học cách phản ứng nhanh với các chỉ trích trên không gian mạng, đối phó với nạn tin giả, các tin đồn ác ý, các thông tin nhạy cảm bị rò rỉ; học cách trả lời nhanh khi báo chí đặt các câu hỏi mà truyền thông xã hội nêu lên một cách bất ngờ…
Ngay cả cách tương tác với báo chí cũng đã thay đổi khi yêu cầu về nội dung, hình thức cung cấp thông tin cũng thay đổi. Tài liệu dành cho báo chí, nếu muốn được sử dụng hiệu quả thì cần được soạn thảo đa phương tiện, đa nền tảng. Tất cả các thay đổi nhanh chóng này đặt công tác truyền thông doanh nghiệp trước những thử thách lớn chưa từng có.
NHỮNG THAY ĐỔI CỦA NGHỀ BÁO TRONG THỜI ĐẠI SỐ
Ở chiều ngược lại, trong thời đại số, nhiệm vụ phản ánh hiện thực xã hội, cung cấp thông tin đa chiều cho độc giả đảm bảo các tiêu chí nhanh, đúng, đủ, độc đáo, hấp dẫn của các nhà báo cũng bị đặt trước nhiều khó khăn. Truyền thông xã hội đã sản sinh ra các thông tin (social news) với tốc độ nhanh không tưởng, đa dạng, đa chiều với số lượng nhiều mà không tòa soạn nào có thể sản xuất kịp mặc dù với chất lượng và độ tin cậy không cao.
Sự ra đời của các loại hình báo chí online - trang thông tin điện tử - hội nhóm online - cung cấp thông tin miễn phí cũng tranh giành ảnh hưởng với báo chí chính thống. Báo chí cũng đang phải học cách biến đổi từ đơn kênh sang đa kênh, đa phương tiện...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam