Thế nhưng, có những lúc “trái nắng, trở trời” vì lý do nào đó, mối quan hệ cộng sinh ấy có những khi bị rạn nứt, dẫn đến đưa nhau ra tòa và đổ vỡ, không nhìn mặt nhau.
Cùng bắt tay, nhìn về một hướng, giúp nhau phát triển là mục tiêu mà báo chí và doanh nghiệp cùng hướng tới. Vậy mà trên thị trường, đôi khi thương trường biến thành chiến trường.
NHỮNG VỤ KIỆN ĐÌNH ĐÁM
Tháng 4/2019, trong phiên họp cổ đông lớn nhất năm của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, đã không giấu được sự bức xúc cao độ khi doanh nghiệp này đang bị một tờ báo đánh “lên bờ xuống ruộng” bằng loạt bài phản ánh sai sự thật, nhằm vào chương trình Sữa học đường.
Khi đó bà Liên bức xúc nói: “Thương hiệu của chúng tôi không phải là cái bị bông để ai muốn nói gì thì nói. Chúng tôi cạnh tranh là công bằng. Nếu ai cạnh tranh không công bằng thì người đó sẽ lãnh hậu quả. Chúng tôi không khơi dậy cuộc chiến, nhưng ai động đến thương hiệu Vinamilk, bôi nhọ thương hiệu Việt là không thể chấp nhận được”. Sau phát ngôn của bà Liên, Vinamilk chính thức phát đơn kiện tờ báo này. Cả hai đương sự là doanh nghiệp và báo chí phải “đáo tụng đình”, tại Tòa án Nhân dân Tp.Hà Nội để được phán xử đúng, sai. Qua hai phiên xét xử sơ thẩm (2020) và phúc thẩm (1/2021), tòa án đã có phán quyết cuối cùng: Vinamilk thắng kiện, tờ báo phải gỡ bỏ các bài viết sai lệch, đồng thời đăng thông tin cải chính và xin lỗi Vinamilk.
Trước vụ Vinamilk, Tập đoàn FLC cũng đã từng “vác đơn” đi kiện một tờ báo. Doanh nghiệp này bị “đánh” liên tục bằng nhiều bài báo sai sự thật, gây tổn hại lớn đến uy tín, thương hiệu của mình. Cả Tập đoàn FLC và Vinamilk, sau khi thắng kiện cũng không lấy làm hả hê hay sung sướng. Trong những thông cáo báo chí được phát đi, các doanh nghiệp chỉ muốn khách hàng hiểu rằng, không phải cứ báo chí đưa tin tiêu cực thì mặc nhiên đó là doanh nghiệp sai trái hay làm ăn mập mờ, gian dối.
Thực tế, doanh nghiệp không hề muốn mất thời gian đi kiện tụng. Họ chỉ kiện khi không thể nín nhịn, không thể thỏa hiệp. Dù doanh nghiệp có thắng thì cũng chưa chắc đã lấy lại được uy tín và thiệt hại do những bài báo sai sự thật gây ra.
DOANH NGHIỆP CẦN CHỦ ĐỘNG VỀ TRUYỀN THÔNG
Câu chuyện đường đường chính chính kiện báo chí ra tòa như FLC, như Vinamilk thì nhiều nhưng chuyện doanh nghiệp bị hành cho tơi tả giống trường hợp công ty bất động sản của ông Kiên thì nhiều. Một số phóng viên, nhà báo “hành” doanh nghiệp, o ép họ cũng đã bị xử lý thích đáng. Tất nhiên đó chỉ là tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Hàng ngàn nhà báo chân chính vẫn luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình cũng như đồng hành với doanh nghiệp. Những nhà báo này luôn mong muốn và hướng tới một môi trường báo chí chuyên nghiệp và minh bạch. Để báo chí hoạt động tích cực, nhiều năm qua Chính phủ và các cơ quan quản lý báo chí đã đưa ra các giải pháp để quản lý, giám sát lĩnh vực nóng bỏng và đôi khi xuất hiện nhiều điều tiếng này.
Quy hoạch báo chí, siết chặt tôn chỉ mục đích hoạt động, triển khai ứng dụng theo dõi tin bài trên các báo, tạp chí điện tử, giám sát chặt không để tình trạng "sáng đăng, chiều gỡ"; tăng cường thanh tra, kiểm soát các tòa soạn; siết chặt việc cấp thẻ nhà báo; mở văn phòng đại diện hoặc chuyên trang...
Các giải pháp trên đã đang phát huy tác dụng rõ rệt. Nhưng cần phải khách quan nhìn nhận, sẽ có nhiều các kiểu “viết lách” để thoát khỏi vòng cương tỏa. Và tình trạng lạm dụng chức năng, nhiệm vụ, giương chiêu bài đấu tranh tiêu cực, để làm vẩn đục hoạt động báo chí... chưa thể bị quét sạch trong ngày một ngày hai.
Về phía các doanh nghiệp, chính họ cần chủ động hơn nữa trên lĩnh vực truyền thông, chủ động cung cấp những thông tin kịp thời cho báo chí và không nên quan niệm, đa phần các phóng viên, nhà báo liên hệ, đặt vấn đề phỏng vấn, trao đổi cũng là “có vấn đề” hay đòi hỏi.
Báo chí và doanh nghiệp, suy cho cùng là mối quan hệ hợp tác chứ không phải đối đầu. Cả hai cần có nhau để đồng hành, sánh vai và phát triển. Kéo nhau ra tòa chỉ là giải pháp bất đắc dĩ khi không thể tìm được tiếng nói chung.