July 02, 2024 | 16:07 GMT+7

Báo động mạo danh ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học để lừa đảo

Tuấn Khang -

Lợi dụng sự khó khăn của một bộ phận khách hàng khi thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng đề nghị hỗ trợ cài đặt sinh trắc học nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng…

Mới bước sang ngày thứ 2 thực hiện nhận diện sinh trắc học nhưng đã xuất hiện lừa đảo với nhiều người chưa thao tác thành công.
Mới bước sang ngày thứ 2 thực hiện nhận diện sinh trắc học nhưng đã xuất hiện lừa đảo với nhiều người chưa thao tác thành công.

Theo khuyến cáo mới nhất từ các ngân hàng, một số đối tượng xấu mạo danh nhân viên ngân hàng, liên hệ với khách hàng bằng hình thức gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook,… để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Các đối tượng sử dụng chiêu trò thao túng tâm lý khi lập các tài khoản với tên dễ gây nhầm lẫn như "Nhân viên Ngân hàng", "Hỗ trợ khách hàng",... Từ đó trà trộn vào các trang mạng xã hội chính thức của các ngân hàng, tương tác với những bình luận của khách hàng.

Sau khi chiếm được lòng tin của khách, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt… để hỗ trợ. Nguy hiểm hơn, có trường hợp yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ của khách hàng.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo đề nghị khách hàng truy cập vào những đường link giả mạo để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Trước hiện trạng đó, ngân hàng khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email hay các phần mềm nhắn tin trực tuyến khác như Zalo, Viber, Facebook messenger,…

Đồng thời, ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không được truy cập vào những đường link lạ, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thẻ, thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin cá nhân cho những đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cài đặt sinh trắc học.

 

Các ngân hàng khuyến cáo người dân tới điểm giao dịch gần nhất để được cán bộ ngân hàng hỗ trợ trực tiếp trong trường hợp gặp khó khăn khi thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học hay khi thực hiện xác thực sinh trắc học với các giao dịch trực tuyến theo quy định mới.

Bên cạnh đó, người dân hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo tiếp cận nhằm thực hiện các hành vi xấu.

Trước đó, các ngân hàng liên tục thông báo hướng dẫn khách hàng cài đặt sinh trắc học qua nhiều kênh như tin nhắn, thông báo trên ứng dụng ngân hàng, email, báo chí nhưng nhiều người dân chưa thực hiện thành công thao tác này.  Kẻ xấu đã lợi dụng thực trạng đó để xây dựng kịch bản lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7, khách hàng bắt buộc xác thực sinh trắc học khi thực hiện chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên. Ngoài ra, khi khách hàng kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số... cũng cần thực hiện xác thực sinh trắc học.

Trong ngày đầu triển khai Quyết định 2345, xuất hiện hiện tượng nghẽn mạng cục bộ đối với ứng dụng của một số ngân hàng. Đơn cử, ngày 1/7, nhiều khách hàng phàn nàn việc chuyển tiền món nhỏ từ ngân hàng A tới ngân hàng B, bên A báo thành công nhưng đầu nhận của ngân hàng B cả nửa ngày mới báo có. 

Các ngân hàng lý giải hiện tượng này do nhu cầu cập nhật thông tin sinh trắc học tăng đột biến trong ngày đầu quy định có hiệu lực đã khiến hệ thống bị gián đoạn ở nhiều thời điểm. Ngân hàng sẽ có những biện pháp khắc phục để trải nghiệm của khách hàng được liền mạch hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate