Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ một vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra trong cộng đồng đã tăng gấp hai lần. Có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%.Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ mới đây ghi nhận 4 trẻ nhiễm khuẩn E.coli kháng thuốc, trong đó một bé tử vong, những trẻ khác đang trong tình trạng nguy kịch. Điều này khiến không ít người lo lắng vì từ trước đến nay tiêu chảy do E.coli là bệnh thường gặp tại Việt Nam.Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, tiêu chảy do E.coli là bệnh thường xuyên ở nước ta, nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Với một số trường hợp kháng thuốc - gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ - điều quan trọng là phát hiện và điều trị sớm, nếu không tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.
E.coli là một trong nhiều loại vi khuẩn gram âm đường ruột kháng kháng sinh tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhóm siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh ở mức báo động hiện nay trên thế giới.Về mặt lâm sàng không có sự khác biệt giữa tiêu chảy do vi khuẩn E.coli kháng thuốc hay E.coli không kháng thuốc. Người bệnh bị đi ngoài, có thể nhiều lần trong ngày, kèm theo sốt hoặc không. Vì thế, tất cả các trường hợp tiêu chảy đều phải tìm căn nguyên và làm kháng sinh đồ, để xác định xem kháng với thuốc gì, thuốc gì còn nhạy cảm để điều trị được. Bệnh nhân sau 3 ngày điều trị mà triệu chứng không thuyên giảm thì bác sĩ nên nghĩ ngay đến kháng thuốc.
E.coli thường là thành phần chính trong nhóm vi khuẩn chí đường ruột, là nhóm vi khuẩn có ích. Trong khi đó, các chủng gây bệnh thường sống ngoài ngoại cảnh, vùng nước bẩn, sông rạch nhiễm phân của súc vật. Người ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn này vào đường ruột, nó sẽ phát triển gây thành độc tố và một số bệnh cảnh nhất định. Ngoài tiêu chảy ra, E.coli còn gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, như: nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ (đặc biệt sau chấn thương), nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi…