Trong đó, sản lượng bán hàng của các loại xe du lịch đạt 14.179 chiếc, tăng 10% so với tháng trước; phân khúc xe thương mại đạt 9.137 chiếc, tăng nhẹ 1,5%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 1.049 chiếc, giảm 20%.
Tháng 6/2017 cũng chứng kiến đà tăng trưởng khá cân bằng giữa nhóm xe sản xuất trong nước (CKD) với nhóm xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Cụ thể, tổng sản lượng bán hàng các loại ôtô CKD trong tháng 6/2017 đạt 17.280 chiếc, tăng 4% so với tháng trước. Nhóm xe CBU sở hữu tỷ lệ tăng trưởng tốt hơn với 8% so với tháng trước, đạt tổng cộng 7.085 chiếc.
Cũng theo báo cáo của VAMA, cộng dồn cả giai đoạn nửa đầu năm nay, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường đạt 134.273 chiếc, sụt giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 79.399 chiếc, tăng 7%; phân khúc xe thương mại đạt 47.426 chiếc, giảm 9%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 7.448 chiếc, giảm 18%.
Có thể thấy rằng, sức mua ôtô trên toàn thị trường đã bắt đầu hết dấu hiệu của trạng thái dùng dằng và thực sự vào đà tăng trưởng. Tháng 5/2017, tổng sức mua ôtô đã bắt đầu hồi phục khi vượt qua 6% so với tháng liền kề trước đó. Và như thống kê ở trên, tổng sức mua ôtô tháng 6 tiếp tục tăng trưởng 5% so với tháng liền trước. Biết rằng sức mua ôtô tháng 4 cũng đã rơi vào cú lao dốc không phanh sau đợt tăng trưởng của tháng 3.
Việc sức mua ôtô trên toàn thị trường có 2 tháng liên tiếp tăng trưởng có thể chưa khẳng định được tính bền vững. Tuy nhiên, đây cũng được xem là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng vẫn đang có tâm lý chờ đợi đến năm 2018 để mua xe CBU nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia với giá rẻ.
Chính tâm lý chờ đợi của nhóm không nhỏ người tiêu dùng xe phổ thông đã đẩy thị trường ôtô Việt Nam giai đoạn đầu năm vào tình trạng trồi sụt sức mua. Sự bất ổn của tâm lý tiêu dùng bắt buộc các nhà sản xuất và phân phối ôtô phải mạnh tay kích cầu. Trong bối cảnh đó, giải pháp tình thế và có lẽ cũng là hiệu quả nhất chính là giảm giá.
Ngoại trừ Thaco Group với 2 thương hiệu xe phổ thông Kia và Mazda đã liên tiếp giảm giá bán lẻ thậm chí từ năm 2016 thì kể từ khi bước vào quý 2/2017, một “cơn bão” giảm giá mới thực sự diễn ra rộng khắp trên toàn thị trường. Dù trước đó, ngay từ đầu năm cũng đã có một vài hãng xe tung ra các chương trình giảm giá hoặc ưu đãi mang tính thời điểm.
Đến lúc này, hầu hết các thương hiệu xe phổ thông đều đã vào cuộc giảm giá và theo nhận định của VAMA, mặt bằng giá bán lẻ ôtô phổ thông tại Việt Nam đã rất gần với giá bình quân tại các thị trường trong khu vực. Đây rõ ràng là một lợi thế đối với những người tiêu dùng đang có nhu cầu sở hữu xe, kể cả khi so sánh với khả năng giảm giá (có thể xảy ra) với một vài loại xe CBU nhập khẩu Thái Lan, Indonesia từ ngày 1/1/2018.
Sản lượng bán hàng ôtô của VAMA các tháng gần đây | |||
Phân khúc | 6/2017 | 6/2016 | 5/2017 |
Xe du lịch | 13.736 | 10.961 | 12.441 |
Xe thương mại | 8.262 | 9.764 | 8.332 |
Xe chuyên dụng | 752 | 1.136 | 1.056 |
Tổng | 22.750 | 21.861 | 21.829 |
So sánh tháng | 6/2017 so 6/2016 | 6/2017 so 5/2017 |
Xe du lịch | 25% | 10% |
Xe thương mại | -15% | -1% |
Xe chuyên dụng | -34% | -29% |
Tổng | 4% | 4% |
So sánh năm | 2017 | 2016 | Tăng/ giảm |
Xe du lịch | 74.438 | 67.126 | 11% |
Xe thương mại | 44.487 | 48.630 | -9% |
Xe chuyên dụng | 6.562 | 7.904 | -17% |
Tổng | 125.487 | 123.660 | 1% |