March 17, 2023 | 06:21 GMT+7

Bao giờ dự án Gang thép Thái Nguyên hồi sinh sau 20 năm "đắp chiếu"?

Ánh Tuyết -

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, một trong những dự án yếu kém, khó xử lý nhất ngành công thương, được kỳ vọng có những bước tiến mới sau cuộc đàm phán với đối tác Trung Quốc tại chuyến công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước từ ngày 13 - 19/3...

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên hàng nghìn tỷ đồng bỏ hoang, thiết bị hoen gỉ gần 20 năm và vẫn gánh lãi vay hàng năm.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên hàng nghìn tỷ đồng bỏ hoang, thiết bị hoen gỉ gần 20 năm và vẫn gánh lãi vay hàng năm.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2) là dự án đầu tư trọng điểm, do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư và Tập đoàn Khoa học công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu.

Công trình được khởi công ngày 29/9/2007 và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng thi công dở dang do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói) ký ngày 12/7/2007 giữa hai bên. Trong suốt giai đoạn 2012 đến năm 2016, TISCO và MCC tiến hành 12 cuộc đàm phán nhưng không giải quyết được các vướng mắc hợp đồng EPC.

SẮP ĐÀM PHÁN LẠI VỚI TRUNG QUỐC ĐỂ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC

Dự án Tisco2 hiện là một trong những ưu tiên và mối quan tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung và giữa các doanh nghiệp của hai nước nói riêng.

Để việc đàm phán giải quyết những tồn tại, hạn chế của hợp đồng EPC của dự án Tisco2 đạt được kết quả thực chất theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo và phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp hai bên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc tổ chức đoàn đi công tác Trung Quốc do Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh làm trưởng đoàn cùng các doanh nghiệp trực thuộc từ ngày 13 - 19/3.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn dẫn đầu đoàn đi công tác Trung Quốc từ ngày 13 - 19/3 để kết nối các doanh nghiệp của hai cơ quan và gỡ vướng dự án Tisco 2.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn dẫn đầu đoàn đi công tác Trung Quốc từ ngày 13 - 19/3 để kết nối các doanh nghiệp của hai cơ quan và gỡ vướng dự án Tisco 2.

Theo trên, trong các ngày 17 – 19/3, Ủy ban sẽ có buổi hội đàm quan trọng với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc, tổ chức diễn đàn doanh nghiệp và kết nối các doanh nghiệp của hai cơ quan; đặc biệt tiếp tục chỉ đạo đoàn đàm phán của SCIC, VNS và Tisco trong thời gian này và có buổi làm việc trực tiếp với MCC về các nội dung liên quan đến dự án Tisco2", Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông tin.

Việc triển khai đoàn đoàn công tác của Ủy ban ngay sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau Covid mang tính chất rất quan trọng, ngoài việc cụ thể hóa những nhận thức chung đã đạt được giữa Tổng Bí thư Đảng cộng sản hai nước trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, điều quan trọng là việc xử lý các vấn đề liên quan dự án Tisco2. Đây là vấn đề hết sức cấp thiết, thể hiện tính chủ động của phía Việt Nam trong việc hiện thực hóa các nhận thức chung này.

NỖ LỰC VỰC DẬY DỰ ÁN NGHÌN TỶ 

Ngay sau khi tiếp nhận vai trò thường trực Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương và đặc biệt là sau chuyến khảo sát, làm việc tại dự án Tisco 2 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2022, Ủy ban quyết liệt chỉ đạo SCIC, VNS và TISCO trao đổi với MCC tổ chức đàm phán để thống nhất phương án giải quyết dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc của hợp đồng EPC. Những nỗ lực chỉ đạo, điều phối của Ủy ban đã đạt những kết quả ban đầu.

Cụ thể, sau rất nhiều năm bị đình trệ, MCC đã cử đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại Việt Nam từ ngày 14-24/10/2022 để khảo sát, đánh giá, trao đổi với các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp liên quan của Việt Nam về dự án Tisco2, mặc dù thời điểm đó, Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt.

Điều này cho thấy, những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo và Ủy ban, cũng như việc tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan liên quan hai nước thông qua các kênh ngoại giao đã có tác động rất lớn, làm thay đổi nhận thức và hành động của MCC, dẫn đến việc MCC chuyển từ thái độ bất hợp tác, chậm phản hồi đối với các yêu cầu, đề nghị của chủ đầu tư sang chủ động phối hợp, phản hồi nhanh chóng hơn với các yêu cầu của TISCO.

Dưới tác động của giải pháp ngoại giao và sự tham dự của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, việc MCC cử đoàn công tác sang Việt Nam cũng thể hiện nhận thức chung đã đạt được giữa các bên tại cuộc hội đàm trực tuyến tổ chức ngày 21/9/2022 và là một bước tiến mang tính chất phá băng, bước đầu tạo lập niềm tin giữa hai bên.

Các nỗ lực của phía Việt Nam cũng tạo cơ sở cho đối tác MCC thể hiện thiện chí và mong muốn giải quyết các tồn tại, vướng mắc của dự án Tisco 2.

Qua đó, tạo ra bước đột phá trong quá trình giải quyết các tồn tại của dự án Tisco 2 khi lần đầu tiên hai bên đã cùng khảo sát, tiếp cận trên thực tế đối với các máy móc, thiết bị đã tập kết tại hiện trường, bước đầu đưa ra định hướng sơ bộ về việc xử lý công việc tiếp theo trong thời gian tới.

Trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém kéo dài của ngành công thương đến nay đã xử lý được 5/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Trong số 7 dự án còn lại, 2 dự án đã có phương án xử lý, 5 dự án đang tiếp tục tìm phương án, trong đó, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên được đánh giá thuộc diện phức tạp, khó xử lý nhất. 

Đây là dự án đã kéo dài sang năm thứ 17 vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp, gây bức xúc cho cử tri và nhân dân.

Dự án này khởi công từ năm 2007, có tổng mức đầu tư ban đầu 3.843 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 8.100 tỷ đồng và dự kiến đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Trong năm 2018, TISCO tiếp tục đổ thêm 241,67 tỷ đồng cho công trình cải tạo giai đoạn 2. Hiện dự án đã thanh toán hơn 95% số tiền cho các nhà thầu, mua sắm thiết bị, với tổng số tiền hơn 4.400 tỷ đồng. Dù "đắp chiếu" nhiều năm nhưng dự án vẫn ngốn thêm những chi phí phát sinh do lãi vay ngân hàng hàng năm.

Tuy nhiên, gói thầu đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành. Trực tiếp đến khảo sát hiện trường dự án cuối tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự "xót ruột" và "sốt ruột" khi chứng kiến nhiều hạng mục của dự án đang bỏ hoang, nhiều vật tư, thiết bị đã hư hỏng, gỉ sét, nằm phủ bạt ngoài trời nhiều năm nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate