September 26, 2022 | 18:43 GMT+7

Bao giờ Hải Phòng giải ngân hết vốn đầu tư công?

Trương Quốc Cường -

Năm 2022 thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn là 12.720,72 tỷ đồng. Dự kiến kết thúc tháng 9/2022, Hải Phòng sẽ giải ngân được khoảng 8.932,8 tỷ đồng, bằng 70,2%...

Hải Phòng cũng như nhiều địa phương đang gặp khó khi chưa giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch
Hải Phòng cũng như nhiều địa phương đang gặp khó khi chưa giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch

Trong báo cáo của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đọc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia, hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng ngày 26/09, thành phố Hải Phòng cam kết sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao trong năm 2022 vào ngày 31/01/2023.

Cụ thể, năm 2022 thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn là 12.720,72 tỷ đồng. Căn cứ vào tình hình thu ngân sách trên địa bàn Hải Phòng, Hội đồng nhân dân thành phố đã giao kế hoạch vốn đầu tư công là 18.103,691 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương là 1.288,152 tỷ đồng và ngân sách thành phố là 16.815,539 tỷ đồng.

Dự kiến kết thúc tháng 9/2022, Hải Phòng sẽ giải ngân được khoảng 8.932,8 tỷ đồng, bằng 70,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 49,3% kế hoạch thành phố giao.

So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Hải Phòng có tỷ lệ giải ngân xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố và 13/114 địa phương, cơ quan được giao kế hoạch vốn năm 2022. Dự kiến đến ngày 31/01/2023, thành phố Hải Phòng sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao.

Kết quả này là một trong những tín hiệu tốt thể hiện nỗ lực bứt phá của Hải Phòng trong nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Bởi trước đó, trong khoảng giữa tháng 5/2022 số vốn đầu tư công đã giải ngân của Hải Phòng chỉ đạt hơn 2.316 tỷ đồng, bằng 12,8% kế hoạch thành phố giao và bằng 18,2% kế hoạch Chính phủ giao, “tụt hạng chóng mặt” xuống vị trí thứ 47/63 địa phương trong việc giải ngân vốn đầu tư công - thứ hạng thấp nhất của Hải Phòng so với những năm gần đây.

Lý giải về kết quả tích cực này, theo báo cáo của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, ngoài việc phát huy kinh nghiệm trong công tác giải ngân vốn đầu tư công những năm qua, năm 2022, thành phố Hải Phòng chỉ tập trung triển khai thực hiện từ 7 đến 10 dự án trọng tâm, trọng điểm; một yếu tố quan trọng góp phần cải thiện việc giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng đó là ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và đặc biệt chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể là ưu tiên bố trí vốn thực hiện Dự án theo nguyên tắc: bố trí 100% chi phí giải phóng mặt bằng và 80% chi phí xây lắp.

Kiến nghị tại Hội nghị, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm phê duyệt Quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng, làm cơ sở để triển khai thực hiện các Dự án đầu tư công của thành phố, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; xem xét, quyết định công nhận huyện Tiên Lãng là huyện Nông thôn mới; tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong giải ngân kế hoạch vốn ODA cấp phát và vốn ODA vay lại; cho phép điều chỉnh hợp đồng, đơn giá thi công xây dựng do biến động tăng giá nguyên – nhiên - vật liệu xây dựng trong thời gian vừa qua.

Trên thực tế, ở góc nhìn rộng hơn, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải là vấn đề riêng của Hải Phòng. Số liệu qua các năm ở tất cả các địa phương khác trên cả nước đều cho thấy, cả tốc độ giải ngân và tốc độ thực hiện vốn đầu tư công thực hiện đều theo quy luật đầu năm chậm, cuối năm tăng tốc.

Trước đó, chia sẻ với báo giới vào tháng 5/2022, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết có một thực tế là tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào cuối năm và cuối kỳ kế hoạch. Và điều này đang có xu hướng trở thành quy luật.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate