November 25, 2022 | 09:00 GMT+7

Bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy: Nên giữ hay bỏ?

Lê Vũ

Bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy là chính sách an sinh xã hội của Chính phủ của nhiều quốc gia nhằm bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho nạn nhân trong các vụ việc tai nạn giao thông. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ loại hình bảo hiểm này bởi không đem lại hiệu quả trên thực tế.

Các quốc gia trên thế giới quy định ra sao?

Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, bảo hiểm đối với xe máy là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi chủ xe. Mục đích chính của chính sách này nhằm bảo vệ lợi ích của mỗi công dân khi tham gia giao thông và góp phần tăng thu ngân sách cho nhà nước.

49/50 tiểu bang tại Mỹ quy định bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy.
49/50 tiểu bang tại Mỹ quy định bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy.

Tại Mỹ, 49/50 tiểu bang đều yêu cầu chủ sở hữu phải có bảo hiểm xe máy (trừ Florida). Tuy nhiên, chỉ có khoảng một nửa số tiểu bang quy định bắt buộc mua bảo hiểm đối với xe tay ga, xe gắn máy dưới 50cc.

Sau khi mua bảo hiểm, người dùng mới được làm thủ tục đăng ký xe máy và sau đó mới được điều khiển phương tiện trên đường một cách hợp pháp. Mặc dù vậy, không phải tiểu bang nào cũng yêu cầu mức bảo hiểm như nhau.

Chi phí mua bảo hiểm rẻ nhất tại Bắc Dakota với 28 USD/tháng, hoặc 330 USD/năm; đắt nhất là California với chi phí tương ứng 151 USD/tháng hoặc 1.816 USD/năm. Đây chỉ là mức phí trung bình tại mỗi tiểu bang. Mức phí bảo hiểm thực tế được các công ty bảo hiểm niêm yết có thể thấp hơn hoặc cao hơn mức phí này.

Ngoài ra, tại Mỹ cũng phân loại các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm theo từng cấp độ khác nhau. Ví dụ, chiếc xe càng đắt tiền, công suất càng lớn thì phí bảo hiểm càng cao. Theo độ tuổi, người điều khiển phương tiện từ 16-18 tuổi phải chi trả tiền bảo hiểm cao hơn hẳn so với người trên 21 tuổi… Nhiều công ty bảo hiểm ôtô cũng bán bảo hiểm cho xe máy nếu là khách hàng của công ty, kèm theo mức chiết khấu, ưu đãi nhất định.

Chủ xe gentsuki 50cc tại Nhật Bản cũng phải mua bảo hiểm bắt buộc và chỉ được di chuyển với tốc độ dưới 30 km/h.
Chủ xe gentsuki 50cc tại Nhật Bản cũng phải mua bảo hiểm bắt buộc và chỉ được di chuyển với tốc độ dưới 30 km/h.

Tại Nhật Bản, một trong những phương tiện xe gắn máy phổ thông nhất là gentsuki. Với dung tích 50cc, loại xe này chỉ được phép di chuyển với tốc độ tối đa 30 km/h, rất phù hợp với những cung đường ngắn, trong khu dân cư.

Để được lưu thông trên đường, người dùng gentsuki phải mua bảo hiểm bắt buộc (Jibaiseki hoken). Đây là bảo hiểm bồi thường nếu chủ xe gây tai nạn, thương tích cho người khác, không bồi thường thiệt hại vật chất của xe. Ngoài ra, người dùng có thể mua thêm bảo hiểm tự nguyện (Niihoken) để được công ty bảo hiểm chi trả tiền bồi thường vật chất nếu chẳng may chủ xe gây tai nạn.

Chi phí mua bảo hiểm bắt buộc tại Nhật Bản dao động từ 5.300 - 7.000 Yên/năm (khoảng 1-1,2 triệu đồng) và sẽ rẻ hơn nếu mua trước 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm. Mức chi trả tối đa cho mỗi trường hợp tai nạn tử vong lên đến 30 triệu Yên (khoảng 5,3 tỷ đồng).

Sau khi mua bảo hiểm, người dùng được cấp một chiếc tem chứng nhận để dán vào biển số xe là có thể lưu thông bình thường.

Bảo hiểm xe máy tại Việt Nam: Mức phí thấp và kém hiệu quả (!?)

Có thể thấy, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản đều đã xây dựng cơ chế rất đầy đủ, chi tiết về bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy. Còn tại Việt Nam, việc đòi bồi thường thiệt hại vẫn khó… như lên trời!.

Theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) đối với xe dưới 50cc là 55.000 đồng/năm, trên 50cc là 66.000 đồng/năm (chưa bao gồm VAT). Ngoài ra, người mua xe có thể lựa chọn gói bảo hiểm hỗn hợp: Bảo hiểm TNDS + bảo hiểm tai nạn cho 2 người ngồi trên xe (mức 10 triệu /người) là 86.000 đồng/năm. Bảo hiểm TNDS + bảo hiểm tai nạn cho 2 người ngồi trên xe (mức 20 triệu /người) là 106.000 đồng/năm.

Nhiều người mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chỉ để... đỡ bị CSGT thổi phạt.
Nhiều người mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chỉ để... đỡ bị CSGT thổi phạt.

Mức thu phí bảo hiểm thấp, đồng nghĩa với mức bồi thường thiệt hại thấp hơn nhiều lần so với các nước phát triển. Cụ thể, mức trách nhiệm bảo hiểm tối đa đối với người bị chết do tai nạn giao thông là 150 triệu đồng. Đối với các tổn thương bộ phận, số tiền bồi thường được xác định theo tỷ lệ tổn thương được quy định tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, hồ sơ bồi thường bảo hiểm còn khá “rườm rà”, gây khó khăn cho các bên trong vụ việc tai nạn. Cụ thể, những tài liệu khó thu thập đầy đủ nhất là tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản, các tài liệu liên quan của cơ quan Công an do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập, biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm tạo lập…

Do đó, trong nhiều vụ việc tai nạn không gây chết người, người gây tai nạn và nạn nhân thường mặc dù đã đóng bảo hiểm TNDS bắt buộc nhưng vẫn lựa chọn tự thỏa thuận bồi thường thiệt hại về người và tài sản.

Mua bảo hiểm, nhưng khi bị tai nạn phải
Mua bảo hiểm, nhưng khi bị tai nạn phải "ngậm ngùi" tự chi trả mọi thiệt hại.

Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân chủ quan do người dân chưa am hiểu quy định pháp luật, tâm lý “ngại” đấu tranh, kiện tụng, đòi bồi thường thì một phần nguyên nhân do cơ chế thi hành luật chưa thực sự thuận tiện và công bằng đối với người đóng bảo hiểm. Điều này dẫn đến một thực trạng, cơ quan bảo hiểm thu 765 tỷ đồng phí bảo hiểm, nhưng mới chỉ thực hiện chi trả được 45 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 5,88%).

Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xét về mặt lợi ích tổng thể cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc TNDS với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí. Do đó, VCCI tiếp tục đề xuất cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) cân nhắc bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy, ưu tiên bảo hiểm tự nguyện, dựa trên sự thỏa thuận giữa các công ty bảo hiểm và người dân. Điều này sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cung cấp những sản phẩm bảo hiểm chất lượng, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng điều này. Bởi lẽ, với thực tế thu nhập và thị hiếu của đa số người sử dụng xe máy, việc bỏ bảo hiểm bắt buộc chưa chắc đã giúp người dân chuyển sang mua bảo hiểm tự nguyện. Khi nhiều người dân lựa chọn không mua một loại bảo hiểm nào, gánh nặng có thể sẽ bị đẩy về phía Nhà nước và chính các gia đình có người thân gặp nạn.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có đề xuất bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy. Theo VCCI, quy định này không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định tên loại hình bảo hiểm, còn nghị định được phép quy định chi tiết các nội dung liên quan, trong đó bao gồm cả phạm vi áp dụng.

Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết: "Căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do pháp luật có liên quan quy định xe cơ giới bao gồm cả xe ô tô, xe máy”.

Bộ Tài chính cũng cho biết, trường hợp Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định thấy có đầy đủ cơ sở pháp lý để bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy, Bộ Tài chính sẽ thống nhất bỏ quy định này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate