May 26, 2022 | 15:05 GMT+7

Bảo hiểm tiền gửi góp phần phát triển bền vững quỹ tín dụng nhân dân

Song Linh

Là tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam, thời gian qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động nghiệp vụ, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân...

Khách hàng giao dịch tại quỹ tín dụng nhân dân An Thạnh, thành phố Thuận An, Bình Dương.
Khách hàng giao dịch tại quỹ tín dụng nhân dân An Thạnh, thành phố Thuận An, Bình Dương.

Tính đến nay, cả nước có 1.181 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố với tổng tài sản hơn 158.832 tỷ đồng. Hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong việc xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm tại các địa phương, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Là tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra và tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân nhằm phát hiện kịp thời những yếu kém, sai phạm để cảnh báo đối với quỹ tín dụng nhân dân và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp chấn chỉnh, xử lý, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Theo đó, hoạt động giám sát, kiểm tra đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện kiểm tra theo kế hoạch đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, triển khai kiểm tra một số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; giám sát từ xa đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Nội dung giám sát tập trung vào việc phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân; việc chấp hành các quy định về bảo hiểm tiền gửi cũng như việc tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; qua đó cảnh báo rủi ro và các sai phạm, yếu kém mà quỹ tín dụng nhân dân cần khắc phục, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động của toàn hệ thống.

Kiểm tra tại chỗ chú trọng xem xét việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm, việc hạch toán, quản lý tài khoản tiền gửi nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm của bảo hiểm tiền gửi trong việc huy động tiền gửi của khách hàng, từ đó đề xuất biện pháp xử lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền cũng như phòng ngừa các hiện tượng gian lận, trục lợi bảo hiểm tiền gửi.

Thời gian gần đây, khi số lượng quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề (quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, tiềm ẩn rủi ro) gia tăng, xuất hiện những quỹ tín dụng nhân dân bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát chuyên sâu để theo dõi diễn biến tình hình của các quỹ tín dụng nhân dân này, nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, đặc biệt là tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm, từ đó chủ động có giải pháp hoặc báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý.

Thực tế khẳng định công tác giám sát, kiểm tra thời gian qua đã giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát hiện nhiều trường hợp sai phạm trong quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ, huy động vốn, cho vay, hạch toán, thu chi tiền mặt, việc quản lý giấy tờ, hồ sơ, sổ sách… và các sai phạm về tính, nộp phí bảo hiểm tiền gửi. Đối với mỗi sai phạm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đều xác định rõ nguyên nhân để kiến nghị biện pháp xử lý, chấn chỉnh; qua đó, nghiên cứu để có những đề xuất về cơ chế, chính sách phù hợp đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, nhằm tạo điều kiện cho bảo hiểm tiền gửi phát triển an toàn, bền vững.

Đối với các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tham gia quá trình theo dõi, kiểm tra, xử lý đối với các quỹ tín dụng nhân dân này, đặc biệt là những quỹ có nguy cơ bị đổ vỡ có thể phát sinh nghĩa vụ chi trả bảo hiểm tiền gửi.

Cụ thể, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã cử cán bộ tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; tham gia cùng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án củng cố, chấn chỉnh quỹ tín dụng nhân dân bị kiểm soát đặc biệt nhằm khôi phục hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân trở lại bình thường, hạn chế tác động xấu đến hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân khác trên địa bàn, không gây xáo trộn, mất ổn định an ninh, chính trị xã hội tại địa phương.

Bên cạnh các nghiệp vụ nói trên, hoạt động tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chú trọng nhằm giúp người gửi tiền nắm rõ quyền lợi của mình, yên tâm gửi tiền nhàn rỗi để tái đầu tư phát triển kinh tế, góp phần tăng khả năng huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp lý của thành viên tại các quỹ tín dụng nhân dân.

Do người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân thường ít có điều kiện để nắm bắt thông tin về tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tiền gửi, vì vậy, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thường xuyên nghiên cứu để đổi mới, thực hiện đa dạng hình thức tuyên truyền tới người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng nghiên cứu, xây dựng các kịch bản tuyên truyền hiệu quả để áp dụng phù hợp với từng thời điểm, giúp củng cố và tăng cường niềm tin của người gửi tiền.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate